Nhìn lại một năm “kinh tế buồn” của các doanh nghiệp bất động sản

Liên tiếp những “cơn gió ngược” từ sự đứt gãy dòng tiền, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh,… đã khiến cho năm 2022 trở thành một năm “kinh tế buồn” của không ít doanh nghiệp bất động sản.
Nhìn lại một năm “kinh tế buồn” của các doanh nghiệp bất động sản - Ảnh 1.

Năm 2022, Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) ghi nhận khoản lõ gần 115 tỷ đồng từ chứng khoán. Ảnh: Dự án của NDN tại Lô đất 59 Lê Duẩn

Nhà Đà Nẵng điêu đứng ví chứng khoán

Báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã chứng khoán: NDN) chỉ đạt doanh thu vỏn vẹn hơn 3 tỷ đồng, trong khi năm 2021 là hơn 509 tỷ đồng. Đáng chú ý là doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản của công ty còn ghi âm gần 126 triệu đồng do khách hàng trả lại nhà. Doanh thu tài chính của NDN cũng ghi nhận mức giảm mạnh khi giảm đến 74%, còn gần 55 tỷ đồng.

Trong năm 2022, NDN tập trung chủ yếu vào hoạt động đầu tư chứng khoán nhưng khoản lãi từ hoạt động này cả năm chỉ đạt xấp xỉ 14 tỷ đồng, giảm hơn 89% so với năm 2021. Mặt khác, khoản lỗ đầu tư chứng khoán được ghi nhận lên tới gần 115 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty đã phải lập dự phòng gần 126 tỷ đồng cho việc giảm giá chứng khoán kinh doanh. Kết thúc năm 2022, NDN lỗ sau thuế gần 137 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 252 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của NDN tại thời điểm 31/12/2022 là hơn 1.379 tỷ đồng, giảm 16% so với đầu năm. Trong đó, giá trị tiền mặt và chứng khoán kinh doanh lần lượt giảm 14% và 36%, còn 545 tỷ đồng và 311 tỷ đồng. Ngược lại, nợ phải trả của công ty lại tăng 3%, lên 595 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng chủ yếu do công ty phát sinh gần 34 tỷ đồng chi phí phải trả liên quan đến dự án Monarchy B.

NBB chỉ đạt 17% kế hoạch lợi nhuận

Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán: NBB) công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với doanh thu đạt 176 tỷ đồng, cao gấp hơn 24 lần so với cùng kỳ. Trong kỳ doanh thu tài chính đạt 43 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính lên tới 66,7 tỷ đồng, hoạt động khác lỗ 14,5 tỷ đồng nên kết quả lợi nhuận sau thuế chỉ còn 15,6 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 466 tỷ đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 17,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 313 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của năm 2021.

Trong năm 2022, NBB đặt mục tiêu tổng doanh thu 800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 102 tỷ đồng. Như vậy kết thúc năm, công ty mới hoàn thành được 58% kế hoạch doanh thu và vỏn vẹn 17% kế hoạch lợi nhuận.

Ngoài việc nhuận lao dốc, dòng tiền kinh doanh Năm Bảy Bảy cũng âm. Trong năm 2022, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 953 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư cũng âm 1.007 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.942 tỷ đồng, chủ yếu do tăng vay nợ. Như vậy, trong năm 2022, công ty đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt và phục vụ mở rộng đầu tư.

Tính tới 31/12/2022, Năm Bảy Bảy tăng mạnh tồn kho và các khoản phải thu lần lượt thêm 45,5% và hơn 80% lên 1.355 tỷ đồng và 1.407 tỷ đồng, điều này đã góp phần dẫn tới dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục từ khi niêm yết tới nay. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 163,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.943 tỷ đồng lên 3.130 tỷ đồng và chiếm 49% tổng nguồn vốn.

Bất động sản công nghiệp cũng “chùn bước”

Một doanh nghiệp khác, chuyên về bất động sản công nghiệp là Công ty CP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (mã chứng khoán: NTC) cũng cho thấy kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong năm 2022.

Cụ thể, doanh thu thuần năm 2022 của NTC hơn 268 tỷ đồng, gần như đi ngang so với mức 271 tỷ đồng năm 2021. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính lại giảm mạnh 24%, còn gần 156 tỷ đồng. Theo NTC, nguyên nhân khiến doanh thu tài chính giảm do cổ tức nhận được từ các công ty đầu tư bên ngoài thấp hơn năm trước.

Hệ quả, NTC ghi nhận lãi sau thuế năm 2022 giảm 13% so với năm trước, còn hơn 256 tỷ đồng. Với kết quả này, NTC lần lượt thực hiện được 65% mục tiêu doanh thu và 97% mục tiêu lãi sau thuế theo kế hoạch đề ra hồi đầu năm.

Riêng quý IV, kết quả kinh doanh của NTC sụt giảm đáng kể khi doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt giảm 25% và 44% so với cùng kỳ, còn 80 tỷ đồng và 46 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến lợi nhuận quý IV của NTC giảm mạnh vẫn chủ yếu đến từ cổ tức mà Công ty nhận được từ các công ty đầu tư bên ngoài thấp hơn cùng kỳ.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của NTC tại thời điểm 31/12/2022 đạt 4,061 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt giảm đến 16%, còn 1,125 tỷ đồng. Nợ phải trả cũng giảm 6%, còn 3,347 tỷ đồng.

Cơ hội tái cơ cấu

Theo các chuyên gia, ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn.

Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khó khăn về thanh khoản trong nhiều tháng qua là minh chứng cho thấy thị trường BĐS cần một cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ.

“ Những năm 2020, 2021 nền kinh tế rất khó khăn, giá bất động sản vẫn tăng mạnh. Còn trong năm 2022, các doanh nghiệp cho rằng, thanh khoản giảm nhưng giá vẫn tăng liên tục. Chính điều này tạo nên sự bất thường đối với thị trường bất động sản. Do đó, việc tái thiết lại thị trường bất động sản sẽ giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn. Quá trình tái cấu trúc để tránh nguy cơ bong bóng bất động sản có thể hình thành, đảm bảo sự phát triển phân khúc nhà ở xã hội nhà ở giá rẻ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) cho rằng thị trường BĐS hiện nay đang cho thấy rõ sự lệch pha cung cầu.

Bên cạnh đó, theo ông Châu, tác động của dịch bệnh và những khó khăn từ kinh tế vĩ mô nửa cuối năm 2022 như lửa thử vàng góp phần thanh lọc và đo khả năng chống chịu của thị trường bất động sản.

“Chính bối cảnh trầm lắng đã bộc lộ những khuyết điểm cần khắc phục, vướng mắc cần tháo gỡ để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững hơn trong tương lai”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Dưới góc nhìn vĩ mỗ, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định cần sự nhìn nhận tổng thể để cải cách tái cấu trúc, cải tổ để thị trường thị trường bất động sản thực sự bật dậy bền vững.