Theo đó, Sở Xây dựng TP.HCM tiến hành kiểm tra từ ngày 6/10-15/11 với 81 sàn giao dịch bất động sản, được thành lập từ từ năm 2009-2017. Trong đợt kiểm tra này có các sàn giao dịch bất động sản đáng chú ý như CBRE, Savills Việt Nam, Sao Việt, Tiến Phước, An Gia Hưng, Hưng Ngân, Him Lam Land, Danh Khôi - DKS, Khải Hoàn, Phú Mỹ Hưng, An Gia…
Sở Xây dựng sẽ kiểm tra về điều kiện thành lập, nghĩa vụ thực hiện chế độ báo cáo từ tháng 1/2022-9/2023, nhằm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, tăng cường kiểm tra đối với hoạt động của các sàn giao dịch. Tuyên truyền, hướng dẫn các sàn giao dịch bất động sản thực hiện nghiêm các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng có thể đánh giá tình hình hoạt động, khó khăn, vướng mắc để phối hợp xử lý, giải quyết theo quy định pháp luật, hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, quá trình kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Việc kiểm tra phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực, công khai và không làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân được kiểm tra.
Trước đó, cuối tháng 10/2022, Sở này cũng ban hành kế hoạch kiểm tra tình hình chấp hành quy định pháp luật của các sàn giao dịch bất động sản tại TP.HCM.
Như Nhadautu.vn từng đề cập, thị trường BĐS phía Nam sôi động, nhất là ở TP.HCM kéo theo hàng loạt môi giới, sàn giao dịch được thành lập. Tuy nhiên, nhiều công ty môi giới tuyển dụng nhân viên không qua đào tạo gây nên những bức xúc cho khách hàng. Thậm chí, vì lợi nhuận nhiều công ty tiếp tay cho hành vi lừa đảo khi quảng cáo những dự án ma.
Đơn cử như hồi tháng 9, cơ quan chức năng đã bắt kẻ cầm đầu của Công ty CP Đầu tư xây dựng kinh doanh Lộc Phúc, số 34 Tiền Giang, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Chỉ từ một lô đất có giá chỉ khoảng vài trăm triệu đồng, Công ty Lộc Phúc đã tự vẽ lên dự án, rao bán với giá từ 2-3 tỷ đồng. Khách hàng có nhu cầu mua nhà ở TP.HCM nhưng công ty chở thẳng xuống Đồng Nai xem đất của những dự án tự vẽ ra, rồi dùng các chiêu trò, thủ đoạn bắt ép khách hàng đặt cọc, nhằm chiếm đoạt.
Tương tự, hồi đầu tháng 6, Công an TP.HCM cũng thông tin về vụ việc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hoàng Huỳnh Gia có địa chỉ tại quận Gò Vấp, TP.HCM vẽ dự án ma với tên gọi Khu đô thị Huỳnh Gia City ở Bình Thuận để lừa đảo khách hàng.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, công ty này chưa được bàn giao đất, chưa được cơ quan chức năng cấp phép đầu tư dự án nhưng sử dụng pháp nhân Công ty Hoàng Huỳnh Gia tự lập bản vẽ phân lô nền đất, lập giả dự án. Sau đó, quảng cáo mở bán nhằm mục đích tạo niềm tin, ký kết các hợp đồng đặt cọc và thanh toán, từ đó thu tiền của các khách hàng chiếm đoạt, sử dụng cho mục đích cá nhân.
Hay như mới đây, phản ánh tới Nhadatu.vn , nhiều khách hàng cho biết bị ăn "cú lừa" vì mua dự án mà Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Cường Thịnh (Cường Thịnh Corp) tự vẽ ra. Các dự án này không phải do Cường Thịnh Corp làm chủ đầu tư mà chỉ giữ vai trò hợp tác phát triển và đến nay không có dự án nào được xây dựng hoàn chỉnh để bàn giao.
Có thể kể đến một số dự án mà Cường Thịnh Corp rao bán và ký kết thu tiền của khách hàng như: Khu nhà ở và văn phòng Lũy Bán Bích (334-336 Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú); Khu nhà ở Dịch vụ Lê Đình Cẩn (221-221A Lê Đình Cẩn, khu phố 5, phường Tân Tạo, quận Bình Tân); Khu nhà ở kết hợp Khách sạn Nguyễn Thị Thập (Khu nhà cao tầng 9X, quận 7) (Thửa đất 35, tờ bản đồ số 38, phường Bình Thuận, quận 7); Khu nhà ở Dịch vụ Gò Dầu (phường Tân Quý, quận Tân Phú); Khu dân cư Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân)...