3 năm trở lại đây, thị trường tỉnh được ví như miền đất hứa của các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Ngay cả những nhà đầu tư tay ngang bước vào kênh đầu tư vốn hóa cao cũng hướng về các điểm nóng của thị trường tỉnh.
Các chuyên gia cho rằng, quỹ đất nội đô chật chội, làn sóng đổ về tỉnh là điều hiển nhiên. Nhất là khi thị trường tỉnh đang hút các dự án bất động sản, cộng hưởng cùng cơ sở hạ tầng giao thông đổi thay, biên độ co dãn lợi nhuận của sản phẩm địa ốc gia tăng.
Theo tính toán của ông Nguyễn Kiều, một nhà đầu tư đến từ Bắc Ninh, xét trong 10 năm, một lô đất trung tâm nội đô tăng chỉ khoảng 50%, thậm chí có lô đất giữ nguyên mặt bằng giá trị do vướng lỗi phong thuỷ.
Trong khi đó, một lô đất ở Bắc Ninh năm 2009 chỉ có giá 300 triệu đồng thì tới năm 2018, giá lên tới 6 tỷ đồng nhờ các tuyến đường đi qua. Vì giá đất tăng cao nên nhà đầu tư sẽ về các tỉnh để đầu tư, kiếm lời. Khả năng kiếm lời sẽ tốt, nhanh và dễ vì tâm điểm của thị trường đang hướng về tỉnh.
Tuy nhiên, tiết lộ của ông Trần Nhật (Gia Lâm, Hà Nội), hiện đang có một làn sóng chuyển dịch dòng tiền từ tỉnh ra các vùng ven thủ đô. Nhà đầu tư này chia sẻ, ông từng có tới 3 năm săn đất tỉnh. Các thị trường mà ông rót vốn là Hòa Bình, Khánh Hoà, Quảng Ninh, Bắc Giang. Trước đó, ông Nhật chủ yếu "đánh" đất nền Hà Nội.
"Thời gian đầu, việc buôn bất động sản ở tỉnh lẻ rất tốt. Dân đầu tư đổ về nhiều nên hàng sang tay bán nhanh gọn. Giai đoạn cuối năm 2017 đến năm 2019, giá bất động sản tăng gấp 2 gấp 3 là chuyện thường tình. Giá bất động sản tăng mạnh vì các dự án đổ bộ về tỉnh như nấm. Các nhà đầu tư cũng tìm cách mở rộng địa bàn, săn hàng"- ông Nhật nói.
Song đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021, ông Nhật đã bắt đầu bán dần các bất động sản, thu hồi vốn. Chia sẻ về quyết định thay đổi chiến lược đầu tư, ông Nhật phân tích: "Giá bất động sản tỉnh đã tăng quá mạnh. Tôi nghĩ thời gian tới nếu dịch bệnh căng thẳng, giá bất động sản tỉnh có nguy cơ rớt mạnh, xuống 20-30%. Chưa kể, thị trường tỉnh chủ yếu là các nhà đầu tư, đầu cơ. Nhu cầu ở thực của người dân rất thấp. Một dự án có tới 80% nhà đầu tư xuống tiền. Một sản phẩm bán sang tay 2-3 lần, tôi nghĩ khả năng cao khó sinh lời hơn trong giai đoạn sau.
Ngoài ra, thị trường tỉnh hiện tại khiến tôi cảm thấy có chút "bát nháo", "ăn xổi ở thì". Đó là lý do tôi nghĩ bất động sản không còn hấp dẫn".
Nhiều nhà đầu tư chuyển hướng về vùng ven săn hàng.
Ông Nhật cũng cho biết thêm một lý do khác, dịch bệnh và chính sách giãn cách xã hội kéo dài sẽ làm gián đoạn kế hoạch của các nhà đầu tư. "Ví dụ như tôi, vì dịch bệnh nên khó di chuyển về tỉnh để đàm phán, giao dịch với khách hàng. Tôi dự tính dịch bệnh có thể kéo dài hơn nữa và việc hạn chế di chuyển giữa các tỉnh là điều hiển nhiên".
Nhà đầu tư này tiết lộ thêm: "Nhiều nhà đầu tư đi theo tôi cũng đang chuyển hướng về vùng ven Hà Nội".
Trên góc độ nhà đầu tư "bám chặt" với thị trường vùng ven Hà Nội từ nhiều năm nay, anh Trần Ngọc Tiến chia sẻ, 2 tháng trở lại đây, lượng khách hàng có vốn lớn quan tâm tới bất động sản vùng ven Hà Nội tăng mạnh.
"Những khách liên hệ phần lớn nhà đầu tư kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh. Họ đang âm thầm tìm và gom đất để chờ đợi", anh Tiến chia sẻ.
Theo anh Tiến, điều khiến các nhà đầu tư "cá mập" săn tìm đất vùng ven bởi đây là thị trường an toàn, biến động không quá mạnh, rủi ro thấp.
"Các báo cáo thị trường đều cho thấy, dự án chung cư đang nhỏ giọt. Dịch bệnh khiến người ta có nhu cầu dịch chuyển mạnh về vùng ven Hà Nội. Đó là xu hướng tất yếu vì nếu không chuyển ra vùng ven Hà Nội, họ không thể trụ được trong nội đô. Trong khi đó, vùng ven Hà Nội dù giá đã tăng như Đồng Mai, Biên Giang, khu vực Láng Hòa Lạc nhưng so với nội đô vẫn còn thấp.
Đặc biệt sắp tới, các huyện Hà Tây cũ, các dự án bất động sản bắt đầu được đẩy mạnh xây dựng. Hệ thống đường xá kết nối giữa nội đô và ngoại thành đang cải thiện. Chắc chắn giá bất động sản tăng. Hơn nữa, các nhà đầu tư đều xác định, ở đâu có nhu cầu ở thực, ở đó chắc chắn sẽ đầu tư tốt", anh Tiến nói.