Nhà tái định cư bỏ hoang - trách nhiệm thuộc về ai?

Trong khi giá nhà tăng cao, rất nhiều người dân không có nhà ở, thì việc để hoang hàng chục nghìn căn hộ tái định cư là một nghịch lý, đây là sự lãng phí nghiêm trọng. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai?

Tại Hà Nội và TP.HCM hiện có khoảng 18.000 căn hộ nhà tái định cư bỏ hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng xuống cấp. Các dự án đều được xây dựng quy mô, có tính toán, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí các dự án nhà tái định cư bỏ hoang được xây dựng tại những vị trí "đất vàng".

Riêng trên địa bàn Hà Nội có 9 dự án nhà tái định cư với quy mô gần 2.491 căn. Trong đó có một số dự án đã hoàn thành nghiệm thu nhưng chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí nghiêm trọng.

Tại các tòa nhà tái định cư này, hạ tầng kỹ thuật xung quanh đã có dấu hiệu xuống cấp và hư hỏng. Hệ thống cầu thang bị hoen rỉ, những bức tường bong tróc, cửa kính vỡ, sơn ố màu; Cỏ dại mọc um tùm, sân chơi, vườn hoa, đường nội bộ biến thành điểm tập kết rác. Rác lưu cữu không được di chuyển, dưới nền đất nhiều vị trí bị đọng nước lâu ngày tạo thành những lớp rêu ẩm mốc, ruồi, muỗi trú ngụ, gây mất vệ sinh.

Mặc dù hiện có hàng nghìn căn hộ tái định cư vẫn nằm “đắp chiếu” nhưng thực tế lại đang có rất nhiều người không có nhà ở, đây là một nghịch lý “người cần thì không có, người có thì không cần”. Lý do ngoài bất cập về mặt khoảng cách, nhiều gia đình có nhu cầu nhà ở lại không đủ điều kiện để mua nhà, bởi giá mua nhà tái định cư so với giá tiền bồi thường khi thu hồi đất chênh lệch quá cao, người dân không đủ tài chính để bù đắp khoản chênh lệch.

Nhà tái định cư bỏ hoang - trách nhiệm thuộc về ai?

Một tòa nhà tái định cư bị bỏ hoang lâu năm ở quận Hoàng Mai, hạ tầng kỹ thuật xung quanh đã xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, hiện nay, nhu cầu về nhà ở của người lao động là rất lớn vì ngày càng nhiều người lao động đổ từ các vùng quê về thành thị để sinh sống và làm việc. Một trong những vấn đề khó khăn của những đối tượng này là nhà ở. Nhà ở gần nơi lao động làm việc thì không đủ, trong khi những vùng lân cận của đô thị thì lại có nhiều “dự án ma”, nhiều khu nhà bỏ hoang.

“Mỗi năm có hàng triệu người đổ về các khu đô thị để sinh sống và họ phải sinh sống tại những khu chung cư hay nhà trọ chật hẹp, nhiều gia đình có 3-4 thành viên phải ở trong những căn phòng chỉ vỏn vẹn 10m2. Tất cả những khu bỏ hoang như vậy, chính phủ cần có biện pháp mạnh mẽ, có thể thu hồi giấy phép những khu đó. Trước khi thu hồi giấy phép thì chính quyền cũng như bộ xây dựng và các bộ có liên quan gia hạn cho những dự án đó. Trong trường hợp nếu không hoàn thành được dự án đó thì bắt buộc phải thu hồi. Khi thu hồi phải đền bù cho chủ đầu tư và có sự đồng thuận của 2 bên rồi tiếp tục triển khai các dự án đó hoặc cải tạo lại để làm nhà ở xã hội cung cấp cho người lao động”, TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan điểm.

Ông Hiếu cho rằng, hàng nghìn căn hộ, những khu sinh sống bỏ hoang như vậy là sự lãng phí rất lớn cho đất nước. Đặc biệt, với những người lao động, khi mà họ đang phải sống chui rúc trong không gian và điều kiện thiếu thốn, chật hẹp tại các đô thị lớn, đây là điều không thể chấp nhận được và cần có giải pháp xử lý các khu nhà bỏ hoang.

Đồng quan điểm, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản cho hay, nhà tái định cư bỏ hoang cũng giống như các công sở bỏ hoang, xây dựng xong nhưng không dùng, gây lãng phí nghiêm trọng.

Nhà tái định cư bỏ hoang - trách nhiệm thuộc về ai?

Ths. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản

Việc bố trí tái định cư là một phần của công tác “thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư”. Khi Nhà nước quyết định thu hồi đất trong những trường hợp cần thiết, chẳng hạn vì mục đích quốc phòng, an ninh hoặc để phát triển kinh tế - xã hội thì phải bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng, nếu thu hồi đất ở thì bố trí tái định cư cho người dân có nơi ở mới, tránh xáo trộn đời sống.

Tuy nhiên, hiện nay công tác bố trí tái định cư thực hiện chưa tốt, vị trí dự án tái định cư thường triển khai cách xa khu vực có đất bị thu hồi và thường có hạ tầng kết nối chưa đầy đủ, thiếu dịch vụ tiện ích, chất lượng xây dựng công trình kém nên người dân không mặn mà về ở.

Ông Đỉnh cho rằng, trong hoạch định chính sách phát triển nhà ở thời gian tới, việc bố trí tái định cư không nên thực hiện theo dự án riêng biệt, thay vào đó, tái định cư nên gắn với dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Nhà nước phải dành quỹ đất sạch ngay trong đồ án quy hoạch khu đô thị, nhà ở thương mại để xây dựng nhà tái định cư.

“Ngoài ra, còn có các giải pháp khác, đó là bố trí tái định cư bằng căn hộ nhà ở xã hội, đặt hàng mua nhà ở thương mại bố trí tái định cư. Với phương án này, người dân được quyền chọn mua căn hộ nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trong các dự án trên địa bàn và được sử dụng các công trình hạ tầng, tiện ích, dịch vụ sẵn có trong dự án. Các giải pháp này đã được một số địa phương đưa vào Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở”.

Cũng theo ông Đỉnh, việc hàng nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, trách nhiệm liên quan từ khâu lập dự án cho đến chủ trương lập dự án và triển khai thực hiện. Khi hoàn thành một dự án cần phải đánh giá tính hiệu quả và tính khả thi của dự án đó. Chủ trương đầu tư theo đánh giá đầu tư công thì phải đánh giá dựa trên sự cần thiết, tính hiệu quả và khả thi của dự án. Quá trình triển khai đánh giá chưa đầy đủ, chưa sát với thực tiễn đã dẫn đến câu chuyện bỏ hoang các tòa nhà, dự án không hiệu quả, không khả thi.

“Đây là sản phẩm của đầu tư công thì phải có cách quản lý và xử lý để tránh gây lãng phí. Giải pháp tốt nhất là đem bán đấu giá hết, tài sản công thì phải bán đấu giá cho người mua, khu nhà nào chất lượng còn tốt thì đem bán đấu giá. Nếu chất lượng xuống cấp rồi thì đấu giá để người dân mua. Phần lớn các dự án được xây dựng theo kiến trúc lạc hậu, như ko có tầng hầm để xe hoặc để xe ở tầng 1, giải pháp tối ưu là bán đấu giá dự án, lập quy hoạch theo thiết kế mới rồi tổ chức đấu giá cho chủ đầu tư khác, dỡ hết và xây lại từ đầu, như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người dân. Hầu hết quỹ đất đó nằm ở những vị trí rất đẹp, giá trị thương mại cao thì nên bán đấu giá để tăng thu ngân sách và thu hồi vốn đầu tư đã bỏ ra, tránh lãng phí đầu tư công”, ông Nguyễn Văn Đỉnh hiến kế.