Nhà ở xã hội “nóng” trở lại

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn cung BĐS cao cấp đang có dấu hiệu vượt cầu, sự chuyển hướng sang làm nhà ở xã hội của các doanh nghiệp là tính toán hoàn hợp lý.

Người dân đón chờ các dự án nhà ở xã hội

Vài tháng gần đây, thị trường bất động sản đã đón nhận một chuyển biến rất lớn khi một số tập đoàn bất động sản tên tuổi bất ngờ tuyên bố sẽ tham gia phát triển nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp. Đó là những căn hộ sẽ chỉ có giá chỉ từ 300 triệu tới trên dưới 1 tỷ đồng.

Kế hoạch này càng hứa hẹn tính khả thi cao khi đầu tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Hàng loạt các khó khăn vướng mắc đã được các Bộ ngành, doanh nghiệp đưa ra để bàn thảo, tìm cách giải quyết.

Cũng ngay tại hội nghị, các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030. Đặc biệt là Thủ tướng đã yêu cầu: "Các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, cần "nói đi đôi với làm", không để người dân mất niềm tin". Theo ghi nhận từ thị trường, người dân đã đón nhận thông tin này một cách rất tích cực.

Ghi nhận từ một số đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, giá bán căn hộ chung cư trong quý II tại Hà Nội bình quân là khoảng 49 triệu đồng/m2. Còn tại TP Hồ Chí Minh, con số này đã vọt lên ngưỡng 65 triệu đồng/m2. Bởi vậy, thông tin một số doanh nghiệp lớn tham gia phát triển nhà ở xã hội, với các căn hộ chỉ dưới 20 triệu đồng/m2, đã khiến người dân cảm thấy rất vui mừng.

Chị Trần Thị Ngọc Mai, Hà Nội cho hay: "Để mua căn hộ 2 ngủ phải hơn 1 tỷ đồng, vì vậy nếu muốn mua phải vay mượn cố gắng rất nhiều".

"Tìm mua chung cư ở nội đô tại Hà Nội với mức giá dưới 30 triệu đồng/m2 hiện rất khó tìm", anh Bùi Thanh Bình, Hà Nội chia sẻ.

Chị Trần Thái Thuỷ, Hà Nội cho biết: "Tìm mua một căn chung cư ở Hà Nội giá thấp rất là khó, rất may là có nhà ở xã hội".

Nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội

Hiện thị trường đang rất hồ hởi khi chứng kiến một loạt dự án nhà ở xã hội đã được đăng ký. TP Hồ Chí Minh là nơi tập trung phần lớn người lao động nhập cư, hơn 90% nhu cầu nhà ở là thuộc phân khúc vừa túi tiền, nhà ở xã hội, bình dân… Tuy nhiên, hơn 3 năm qua, phân khúc này dường như vắng bóng khỏi thị trường.

Đơn cử như nửa đầu năm nay, theo số liệu thống kê mới nhất từ Sở Xây Dựng thành phố, trong toàn bộ 17 dự án mới được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn thì nhà ở cao cấp tiếp tục chiếm ưu thế với tỷ trọng hơn 80%, còn lại 20% là trung cấp.

Thực tế khan hiếm, cùng với chủ trương của Chính phủ, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã cam kết thực hiện hàng trăm nghìn căn nhà ở xã hội từ đây đến năm 2030.

Ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám Đốc, Hưng Thịnh Corporation cho hay: "Đã đến lúc phải hướng đến mục tiêu vì cộng đồng, vì xã hội để chia sẻ với mục tiêu lớn của Chính phủ. Chúng tôi chỉ mong làm sao với việc sẽ hỗ trợ tích cực của hệ thống chính quyền về mặt pháp lý thì trong năm nay sẽ có kế hoạch xúc tiến khởi động đầu tư xây dựng một dự án nhà ở xã hội tương đối lớn ở Bình Chánh với 12.000 căn".

Nhà ở xã hội “nóng” trở lại - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội sẽ được hưởng ưu đãi về thuế, được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi. Ảnh minh họa.

Thậm chí những doanh nghiệp trước đây chưa từng làm nhà ở xã hội cũng xem đây là thời điểm "chín mùi" để đầu tư một phân khúc mới. Sự chuyển biến mới này dựa trên những quỹ đất đã được doanh nghiệp tích lũy, cùng với kinh nghiệm phát triển dự án nhiều năm qua.

"Chúng tôi có kinh nghiệm cũng như đội ngũ lãnh đạo đến nhân viên là dân kỹ thuật nhiều nên đây là cơ hội để chúng tôi nghiên cứu ra một dòng sản phẩm mới - đó là dòng sản phẩm có chi phí hợp lý, nhà ở xã hội dành cho công nhân, người có thu nhập thấp", ông Bùi Xuân Huy - Chủ tịch HĐQT Novaland Group cho hay.

Các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội sẽ được hưởng ưu đãi về thuế, được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn cung bất động sản cao cấp đang có dấu hiệu vượt cầu, sự chuyển hướng sang làm nhà ở xã hội của các doanh nghiệp là tính toán hoàn toàn hợp lý.

Gỡ vướng để phát triển nhà ở xã hội

Nhu cầu xã hội trên thị trường rất lớn, doanh nghiệp sẽ dễ dàng xây đến đâu bán hết tới đó, thậm chí là người dân phải xếp hàng để mua. Như vậy sẽ đảm bảo cho dòng tiền của doanh nghiệp sẽ được thông suốt.

Tuy nhiên, "bài toán" này không phải chỉ toàn là màu hồng. Bởi kế hoạch triển khai cụ thể đã có, thậm chí là đã có cả quỹ đất sạch. Theo các doanh nghiệp, vẫn cần có sự tháo gỡ vướng mắc từ phía cơ quan chức năng để đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Công ty Hòa Bình rất mong mỏi được xây dựng nhà ở xã hội trên khu đất ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho những người thu nhập thấp trong khu vực. Đại diện doanh nghiệp cho rằng, các bước thủ tục thực hiện dự án cần được đẩy nhanh hơn nữa, để giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đầu tư.

"Chúng tôi đã gửi toàn bộ hồ sơ và Sở Kế hoạch Đầu tư có phiếu hẹn trả kết quả cho chúng tôi là 22/2/2022 nhưng đến bây giờ vẫn chưa có. Mong muốn chính quyền Hà Nội sẽ hưởng ứng và thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng, để cho chúng tôi thực hiện dự án một cách nhanh nhất", ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Công ty Hòa Bình cho hay.

Nhà ở xã hội “nóng” trở lại - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình với quan điểm cho rằng: Thủ tục pháp lý đang là vướng mắc lớn nhất đối với nhà ở xã hội. Thông thường, riêng việc làm thủ tục đã mất từ 2 -3 năm, thậm chí gặp khó khăn hơn cả so với làm nhà ở thương mại. Sau đó lại mất thêm khoảng 2 năm nữa để xây dựng. Như vậy, trung bình một dự án nhà ở xã hội phải mất tới 5 năm mới hoàn thành.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, hiện nay, đang có 2 chính sách lớn về vốn để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Thứ nhất là gói 15.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp vay mua nhà. Thứ hai là các doanh nghiệp được hỗ trợ 2% lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc giải ngân gói vay ưu đãi cần phải được đẩy nhanh hơn. Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đưa ra đề xuất nên có quy hoạch khu vực nhà ở xã hội tập trung hay các địa phương cần có quy hoạch riêng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Từ đó các dự án sẽ được xây dựng bài bản, đồng bộ cả về nhà ở và tiện ích, hạ tầng.

TỪ KHÓA: nhà ở xã hội