Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, trong khoảng thời gian rất ngắn, mặt bằng giá mới tại TP. Hồ Chí Minh đã được thiết lập. Các dự án thuộc phân khúc bình dân đã biến thành phân trung cấp, dự án thuộc phân khúc trung cấp biến thành cao cấp,...
"Đáng nói ở đây, sự thay đổi phân khúc là vì tăng giá chứ không phải vì tăng chất lượng của Dự án cho phù hợp. Điều này là bất thường khi không phản ánh đúng giá trị của bất động sản, rất dễ xảy ra bong bóng bất động sản. Một thị trường như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát triển không bền vững, gây nên những bất ổn về kinh tế, tài chính,…", ông Đính khẳng định.
Cũng theo ông Đính, về lực cầu ngoài ngành chuyển hướng vào thị trường bất động sản TP. HCM cho thấy đang chiếm tỷ trọng khá lớn (ước đạt 30% -40% tổng cầu đầu tư thị trường bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, cầu này là ngắn hạn chỉ tham gia với mục đích sinh lời nhanh rồi rút vốn. Đó chính là tính ảo của thị trường BĐS.
"Hiện lực cầu tại Tp.HCM đang dồn phần lớn về khu vực thành lập Thành phố Thủ Đức như: Quận 9, Quận 2, Quận Thủ Đức và lan tỏa sang cả khu vực Miền Đông Nam bộ. Làn sóng cầu này hấp thụ rất nhanh những bất động sản có giá tốt ở các phân khúc đất nền, căn hộ trung cấp, căn hộ cao cấp có diện tích nhỏ. Những ở căn hộ cao cấp có giá trị cao trên 70 triệu đồng/m2 thì hấp thụ yếu hơn", ông Đính cho biết.