Không chỉ Tp.HCM, mà các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… tình hình dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp khi xuất hiện các ca lây nhiễm mới. Điều này tác động một phần đến thị trường BĐS, và tâm lý của NĐT vào thị trường.
Riêng với Tp.HCM, sau 38 ngày giãn cách xã hội theo CT 15 , CT 10, mới đây TP tiếp tục áp dụng CT 16 từ 0h ngày 9/7 với mức độ "mạnh tay" hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Như vậy, với CT này, tâm thế chung của thị trường BĐS là chờ đợi, và NĐT tiếp tục "nín thở" để theo dõi tình hình dịch bệnh.
Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, khi chưa đạt được miễn dịch cộng đồng thì thị trường BĐS vẫn còn phải phụ thuộc trực tiếp vào diễn biến của dịch bệnh. Và hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì việc thị trường trầm lắng là điều tất yếu. Trầm lắng ở đây không có nghĩa là nhà đầu tư không có nhu cầu mà họ đang bị hạn chế các hoạt động giao dịch trực tiếp như tư vấn, tham quan dự án, tham gia các buổi bán hàng.
Theo đó, tâm thế chung của thị trường hiện nay là chờ đợi. Với chủ đầu tư, họ chờ đợi dịch bệnh qua đi để triển khai kế hoạch bán hàng. Với khách hàng, họ chờ đợi để đa dạng hóa lựa chọn sản phẩm, để tìm hiểu kỹ dự án trước khi chốt giao dịch.
Mặc dù các giao dịch đang chững lại song theo ông Phúc, một tín hiệu khả quan là chưa xuất hiện tình trạng bán tháo, bán cắt lỗ giảm giá. Ngược lại, ở một số thị trường vẫn có dấu hiệu tăng giá. Điều này cho thấy, BĐS vẫn có lực hồi phục tốt sau dịch. Tuy nhiên, chu kỳ phục hồi ngắn hay dài sẽ phải phụ thuộc vào thời điểm kết thúc của dịch bệnh.
Nếu dịch được kiểm soát trong tháng 8, theo ông Phúc, đầu quý 4/2021 thị trường bắt đầu có tín hiệu hồi phục và giai đoạn cuối năm sẽ trỗi dậy sôi động. Vì sau một thời gian đã bị kìm hãm và nín thở quá lâu, đây là giai đoạn thích hợp để các doanh nghiệp đồng loạt chạy đua triển khai các dự án mới hoặc kích hoạt lại các dự án đã bị gián đoạn trong dịch bệnh khiến nguồn cung đa dạng, sôi nổi. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp sẽ thay đổi chính sách và phương thức bán hàng có lợi cho nhà đầu tư để kích cầu sức mua trong giai đoạn cuối năm. Như vậy, với doanh nghiệp BĐS, cuối năm sẽ là thời cơ để "gánh" doanh thu cho cả năm. Và nếu đạt được 50-60% doanh thu so với mục tiêu đề ra cũng đã là một thành công lớn.
Với khách đầu tư, việc tiếp cận được nguồn sản phẩm đa dạng với chính sách thanh toán linh hoạt tối ưu giúp họ có nhiều sự lựa chọn, kích cầu sức mua toàn thị trường. Mặt khác, sau thời gian dự trữ tiền mặt và các kênh đầu tư ngắn hạn, khách hàng sẽ có động thái dồn tiền về kênh đầu tư BĐS để tìm kiếm hướng đi an toàn
Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến cuối năm: Chu phục hồi của thị trường sẽ kéo dài hơn, thị trường sẽ phải mất 3-4 tháng mới có thể kéo sức cầu quay trở lại sôi động. Các doanh nghiệp chưa kịp mở bán giai đoạn đầu năm thì mức doanh thu cũng sẽ chỉ đạt khoảng 30% chỉ tiêu năm.
Dành lời khuyên cho nhà đầu tư trước bối cảnh thị trường BĐS rơi vào "khoảng lặng" do Covid-19, ông Ngô Quang Phúc cho rằng, tại thời điểm này, khách hàng không nên kỳ vọng lợi nhuận đột biến trong ngắn hạn. Thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển và là kênh đầu tư an toàn. Tuy nhiên hiện nay hình thức đầu tư lướt sóng đã không còn phù hợp với tình hình chung của thị trường. Do đó, khi tham gia BĐS, nhà đầu tư nên đặt ra mục tiêu lợi nhuận trong trung và dài hạn từ 2-5 năm để có phương án điều chỉnh dòng tiền phù hợp.
Mặt khác, không nên sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn 50% khi đầu tư dự án (trừ các dự án sử dụng đòn bẩy tài chính như hỗ trợ 0% lãi suất, ân hạn nợ gốc,…) vì sẽ khiến nhà đầu tư gặp rủi ro khi thị trường xấu hoặc giảm biên độ lợi nhuận vì phải gánh quá nhiều chi phí trả lãi ngân hàng.
Ngoài ra, NĐT không nên "bỏ trứng vào một giỏ". Cùng một số vốn có thể chia nhỏ dòng đầu tư ra nhiều sản phẩm ở các địa phương, các sản phẩm khác nhau để phân tán rủi ro. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng hết sức lưu ý về pháp lý dự án, uy tín chủ đầu tư,… để tránh những rủi ro đáng tiếc.
Còn theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, với dịch diễn biến phức tạp, tâm lý của người mua là giữ tiền, co cụm dòng tiền để chờ diễn biến của dịch bệnh, tuy nhiên đây cũng chỉ là trạng thái ngắn hạn. Họ đang xem xét, sắp xếp lại danh mục đầu tư và tìm cơ hội khi dịch được kiểm soát tốt.
Đương nhiên, theo vị chuyên gia này, đại dịch Covid-19 có những tác động sâu sắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường BĐS. Về lực cầu mua BĐS, Các hoạt động kinh doanh trong tháng 5/2021 giảm so với các tháng quý 1/2021. Tuy vậy, xu hướng các nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản ngày càng nhiều vì đây là kênh đầu tư được cho là an toàn và giá nhà đất lại có xu hướng tăng theo thời gian. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng không ổn định, khó nắm bắt, nhất là với nhóm nhà đầu tư F0. Đồng thời, lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn với mức lãi suất thấp dưới 6.5%/năm, mức được cho là khá khó khăn để hấp dẫn nguồn tiền tích lũy của người dân.
Ngoài ra, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp BĐS đẩy mạnh bán hàng thông qua các kênh trực tuyến và cho thấy vẫn có nhu cầu mua nhà ở vẫn có, đặc biệt là đối với thanh phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như Tp.HCM. Theo đó, đây chỉ là khoảng lặng ngắn hạn của thị trường BĐS do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xét về lâu dài nhu cầu đầu tư, mua BĐS vẫn còn lớn.
Dự báo về thị trường BĐS 6 tháng cuối năm, chuyên gia Colliers Việt Nam cho rằng, sẽ khó có những thay đổi mang tính đột phá trong những tháng còn lại của năm 2021 này trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp vẫn đang ưu tiên các biện pháp mang tính chống đỡ dù tâm lý thị trường vẫn khá tốt và chiến dịch tiêm vaccine trên diện rộng đang được triển khai. Đại dịch Covid-19 đã tác động nhiều đến thu nhập của người dân và doanh nghiệp, phải cần thời gian để khách hàng cũng như tâm lý chung của thị trường quay trở lại trạng thái trước đại dịch.
Nhưng cũng rất quan trọng để nhấn mạnh rằng nhiều báo cáo của các tổ chức uy tín đã nhận định Việt Nam như là một "ngôi sao đang lên" của châu Á với đà tăng trưởng GDP tốt và sự ổn định chính trị.
Đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã được duy trì suốt 3 thập niên, vượt qua được khủng hoảng tài chính châu Á và toàn cầu cũng như nhiều đợt dịch bệnh nghiêm trọng khác trong khu vực.
"Hiện Việt Nam đang nỗ lực giúp nhiều hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Sẽ rất tốt nếu các nỗ lực này được thực hiện phù hợp với tình hình mỗi địa phương. Kinh tế Việt Nam nói chung hay các hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng có liên hệ chặt chẽ với sự tăng trưởng và thành công của thị trường các quốc gia khác, cùng với sự thành công của các chương trình tạo miễn dịch cộng đồng, bên cạnh các chính sách của Chính phủ nhằm thúc đẩy thương mại cũng như mở lại đường bay quốc tế cho du khách sẽ giúp thu hút mạnh mẽ thêm vốn đầu tư nước ngoài cũng như giúp cho tâm lý người tiêu dùng tự tin hơn, chi tiêu nhiều hơn", ông Jackson nhấn mạnh.