Đó là chia sẻ của anh M (Một môi giới kiêm nhà đầu tư lâu năm tại Đồng Nai). Do có dòng tiền mạnh, anh M đã dùng “tiền đẻ ra tiền” trong lúc thị trường BĐS đứng giao dịch. “Mấy tháng nay, tôi sống bằng tiền cầm sổ đỏ”, anh M thẳng thắn chia sẻ.
Nghĩa là, nhà đầu tư này, thay vì để tiền sinh ra tiền từ BĐS như mọi khi thì hiện tại lại sống chủ yếu vào dịch vụ “cầm sổ đỏ”. Thị trường BĐS sụt thanh khoản, anh M môi giới và đầu tư khó khăn, nhưng đổi lại, anh vẫn có dòng tiền từ dịch vụ cầm sổ. Đây không phải lần đầu tiên anh M làm dịch vụ này. Cứ hễ thị trường BĐS đứng, anh lại sống ổn nhờ nghề “tay trái”. Điều này cho thấy, nhà đầu tư này có dòng vốn khá tốt.
Được biết, anh M cầm sổ cho nhà đầu tư khác vay tiền với mức lãi suất từ 3/5% thán,; mức vay 50% giá trị sổ. “Nhiều người không vay được ngân hàng buộc phải vay theo hình thức cầm sổ dịch vụ này”, anh M cho hay.
Khi được hỏi, số lượng nhà đầu tư tham gia “vay nóng” như vậy nhiều hay không, anh M cho hay: Cũng tương đối!. Tuy nhiên, hiện dòng tài chính của nhà đầu tư không bị quá đuối như thời điểm 2011-2013. Tức, nhà đầu tư vào thị trường BĐS không “khô máu” như giai đoạn đó, nên sức chịu đựng vẫn còn. Có thể nhiều nhà đầu tư đã trải qua các đợt nóng – sốt của thị trường BĐS nên đã có kinh nghiệm.
“Hầu hết các nhà đầu tư có kinh nghiệm đợt này đa phần chỉ ảnh hưởng thanh khoản ở tài sản mua nên “đắp chiếu” đợi chờ chứ nguồn tiền thực tế họ đã có sự chuẩn bị”, anh M cho hay.
Nhiều nhà đầu tư đuối sức tài chính. Ảnh minh hoạ
Ghi nhận cho thấy, thị trường BĐS càng về cuối năm, càng thấy ảm đạm. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ không bán được hàng. Môi giới cũng xoay đủ cách để kiếm sống vì không có giao dịch. Những nhà đầu tư dòng vốn yếu, ôm nhiều BĐS chấp nhận bán tháo, bán lỗ. Tuy nhiên, để ra được hàng nhanh trong bối cảnh hiện nay cũng không dễ dàng. Trong khi, nhà đầu tư mạnh tài chính vẫn tiếp tục “nghe ngóng” để ôm hàng giá giảm sâu. Đó cũng là lý do, cung chưa gặp cầu, khiến thị trường BĐS vốn khó khăn lại càng ảm đạm hơn.
Những nhà đầu tư “đuối vốn” ở giai đoạn này, hoặc là cố cầm cự bằng cách “cầm sổ đỏ” để giữ tài sản là BĐS hoặc là bán nhưng không được, trong khi không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng ở giai đoạn này. Việc họ chấp nhận đi vay bên ngoài với lãi suất cao cũng là cách giải quyết khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, về dài hạn, theo dự báo của những người trong cuộc, có thể rất nhiều nhà đầu tư “chết trên đống tài sản” của mình, khi mà lãi suất tăng cao; sức gồng tài sản không còn.
Hiện, nhà đầu tư còn tài sản để bán hoặc thế chấp vay dịch vụ cũng phản ánh, họ đang “cố gồng” hoặc “cố trụ” với thị trường. Tuy nhiên, bức tranh thị trường sẽ như thế nào trong năm 2023 thì chưa có dự báo trước được, vì hiện tại cả thị trường gần như đang bao trùm trong khó khăn.