Nhà đầu tư “bấm bụng” đi vay ngân hàng, chờ giá đất lên

Bán thì tiếc, giữ thì không có tiền mặt, nhiều nhà đầu tư bất động sản “bấm bụng” tiếp tục đi vay ngân hàng, kì vọng giá đất lên sẽ bù được phần lãi phát sinh.
Nhà đầu tư “bấm bụng” đi vay ngân hàng, chờ giá đất lên- Ảnh 1.

Mới đây, khi ngưng rao bán lô đất nền gần 60m2 tại quận 9 vì không được giá như kì vọng, anh Dương dùng mảnh đất thế chấp để vay ngân hàng giải quyết công việc trước mắt. Theo nhà đầu tư này, nếu bán đất ở giai đoạn sẽ không được giá tốt, trong khi lãi suất vay đang thấp. Anh sẽ cố chờ thêm một thời gian, khi giá đất lên bán ra sẽ đỡ “tiếc” hơn.

Một trường hợp khác, anh M (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) gửi môi giới rao bán lô đất hơn 50m2 nhưng 4 tháng không ra được hàng, do sức cầu thị trường đang hấp thụ các nền mức giá thấp hơn. Dù cần tiền gấp nhưng anh M không hạ giá thêm do mức giá anh đưa ra chỉ chênh với giá mua vào cuối năm 2021 khoảng 200 triệu đồng. Trong khi lô đất của anh có vị trí khá đẹp, đã sổ hồng. Nhà đầu tư này vẫn tiếp tục rao bán lô đất, song song đó làm hồ sơ vay ngân hàng để giải quyết công việc kinh doanh riêng. Khi bán được đất, anh sẽ trả nợ phần ngân hàng.

Thời gian vừa qua, khi lãi suất cho vay giảm, nhiều nhà đầu tư đã dễ xoay dòng tiền hơn so với giai đoạn đầu và giữa năm 2023. Trên thị trường, tình trạng nhà đầu tư bán lỗ, bán tháo đã giảm khá nhiều.

Nhà đầu tư “bấm bụng” đi vay ngân hàng, chờ giá đất lên- Ảnh 2.

Nhiều nhà đầu tư kì vọng thị trường bất động sản sớm phục hồi, giá nhà đất sẽ tăng trở lại. Ảnh: Tiểu Bảo

Hiện nay, nhà đất thứ cấp tại Tp.HCM và khu lân cận đã có giao dịch trở lại. Các nguồn hàng giảm giá sâu từ thời điểm đầu năm 2023 gần như đã được tiêu thụ trong đầu năm 2024. Các nhà đầu tư gửi bán ở giai đoạn này phần lớn căn theo giá thị trường (có giảm nhẹ trên dưới 10%), không bán ra nếu khi bị trả giá quá sâu. Điều này đến từ việc nhà đầu tư đã xoay được dòng tiền từ vay ngân hàng hoặc kì vọng cao về sự phục hồi của thị trường. Đặc biệt các nền đất phân lô dự kiến sẽ khan hiếm trong tương lai khi mà quy định siết chặt phân lô bán nền ở các khu vực có hiệu lực từ đầu năm 2025, cho nên nhà đầu tư không vội bán ra nếu như chưa được giá như kì vọng.

Theo chia sẻ của một nhà đầu tư bất động sản lâu năm, thực tế không ít người “bấm bụng” để vay ngân hàng. Có thể họ chờ đất lên giá tốt hơn trước ngưỡng thị trường bước vào giai đoạn “đảo chiều”. Cũng có thể họ không thể bán được hàng. Việc tiếp tục vay ngân hàng hoặc gánh thêm khoản nợ mới là điều các nhà đầu tư không mong muốn. Dù lý do nào thì việc nhà đầu tư cá nhân bị cạn kiệt dòng tiền mặt trong suốt thời gian thị trường bất động sản biến động là thực tế đang diễn ra.

“Bên cạnh các nhà đầu tư âm thầm mua vào thì không ít người tìm mọi cách để bán ra thu dòng tiền nhưng không phải sản phẩm nào cũng bán được lúc này”, vị này nhấn mạnh.