Đó là cảnh báo được bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE đưa ra khi đầu tư đất nền tại khu vực lựa chọn làm sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô.
Trong khi Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội mới chỉ có kiến nghị thành phố xem xét giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở ngành liên quan và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét phương án bố trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội và cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội thì nhiều "nhà đầu tư tài ba" đã bàn tính chuẩn bị cho những cuộc đua gom đất nhằm đón đầu sân bay.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE cho rằng, thực tế vị trí đề xuất đều nằm ở các khu vực chưa có sự hình thành thị trường bất động sản một cách rõ rệt. Với các dự án sân bay ở các nước trên thế giới thì thành phố lớn nào cũng có 2 sân bay, khoảng cách 2 tiếng lái xe.
Không những vậy, quy hoạch sân bay thường kéo dài vài chục năm, trong quá trình đó, thị trường sẽ phát triển dần dần. Một dự án sân bay mới không thể phát triển trong nay mai, thị trường bất động sản cũng cần có một thời gian để phát triển hạ tầng, các dự án có quy mô lớn được triển khai...
"Khi hiện thực hóa được dự án sẽ có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản khu vực. Tuy nhiên, các đề xuất này vẫn chỉ mới trong quy hoạch và đang lựa chọn vị trí. Thời điểm này nếu đầu tư cũng chỉ có "lướt sóng" mà thôi" - bà An cho biết.
Sân bay quốc tế thứ 2 của Vùng Thủ đô tại huyện Ứng Hòa mới dừng ở đề xuất nhưng giá đất đã bắt đầu "cất cánh"
Chuyên gia CBRE Việt Nam cũng cảnh báo, với các loại hình đầu tư ấy, các nhà đầu tư kỳ vọng giá tăng cao cũng phải chấp nhận rủi ro tương ứng bởi đấy là nguyên tắc của đầu tư. Cần phải lưu ý về tính thanh khoản, thông tin về khu vực đó có thể hiện thực hóa đến đâu, có nằm trong quy hoạch không, góp ý như thế nào, tài chính nhà đầu tư có đủ vững hay không.
Bà Nguyễn Hoài An nhấn mạnh, bản chất của đầu tư theo những thông tin như vậy đều không có sự chắc chắn, thị trường đã chứng kiến một số chủ đầu tư xin rút dự án khiến nhiều nhà đầu tư lao đao. Việc đầu tư cần phải phù hợp với khả năng tài chính của mình và vẫn đảm bảo khả năng vượt qua nếu thị trường khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam dẫn chứng cách đây một số năm, TP HCM đề xuất sân bay Long Thành và cũng có hiện tượng giá đất ở khu vực Long Thành sốt ảo. Tình trạng tương tự hoàn toàn có thể tái hiện ở nơi được chọn làm sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô nếu không được kiểm soát tốt.
Theo ông Đính, đề xuất này có được đồng ý hay không còn phụ thuộc vào Quốc hội và để thông qua vấn đề này còn rất lâu, có thể mất tới hàng chục năm mới trở thành hiện thực. Nhà đầu tư không nên "cầm đèn chạy trước ô tô" bởi rủi ro quá lớn đối với một đề xuất chưa được nằm trên giấy.
"Bên cạnh đó, TP Hà Nội khi đưa vấn đề đặt sân bay thứ 2 ở đâu cũng phải lường trước được bài học tương tự như ở sân bay Long Thành đã xảy ra. Qua đó kiểm soát, quản lý hoạt động đất đai tại địa phương này, ngăn chặn đầu cơ, sốt ảo" - ông Đính khẳng định.