Nguồn cung nhà ở xã hội thiếu: Giả mạo chủ đầu tư nhận cọc

Lợi dụng nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) cao, nhiều cò mồi tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc, dù dự án mới đang ở giai đoạn làm hạ tầng. Thậm chí, “cò” còn lập website, trang mạng xã hội mạo danh chủ đầu tư rao bán.

Nhà ở xã hội chưa lúc nào hết nóng nhiều năm nay, bởi cung không đáp ứng đủ cầu. Thực tế cho thấy, dù nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung NƠXH tại các đô thị, nhất là tại TP.HCM và Hà Nội ngày càng eo hẹp. Thậm chí, giá một số dự án NƠXH đã leo lên đến gần 20 triệu đồng/m2, tức bằng giá nhà chung cư bình dân mấy năm trước. Chính việc khan hiếm nguồn cung trong khi nhu cầu quá lớn đã làm nảy sinh tình trạng người dân muốn mua NƠXH phải trả chênh lệch. Suốt năm 2020, Hà Nội ghi nhận số dự án mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù các dự án đều xa trung tâm như Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm... nhưng lúc nào cũng gây sốt giá, bởi số người đăng ký mua luôn vượt số căn hộ được rao bán có.

Đầu năm 2021, Hà Nội xuất hiện 2 dự án NƠXH gần trung tâm tại quận Long Biên và Thanh Xuân, gây xôn xao thị trường, bởi 5 năm nay, NƠXH mới có dự án gần trung tâm. Thay vì đợi khi dự án chính thức mở bán, giờ đây hoạt động của các môi giới NƠXH tinh vi hơn khi tìm hiểu thông tin từ lúc dự án động thổ. Theo đó, cuối tháng 12/2020, dự án NƠXH Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội) của Cty CP BIC Việt Nam và Him Lam Thủ đô động thổ dự án, ngay lập tức, trên các trang web và mạng xã hội đã tràn lan hình ảnh, quảng bá, tư vấn và nhận đặt cọc chỗ mua suất tại dự án. Hàng loạt các trang với tên gọi như: NƠXH Thượng Thanh, Long Biên; NƠXH Him Lam Thượng Thanh, NƠXH Rice City Thượng Thanh... mọc lên như nấm.

Vào các trang này, người đọc cảm giác như đây chính trang của chủ đầu tư, với đủ loại thông tin giá bán, diện tích căn hộ. Thậm chí có cả tên chủ đầu tư, số điện thoại liên hệ. Tuy nhiên, khi liên hệ qua số điện thoại trên, đó chỉ là số điện thoại cá nhân.

Và cũng dễ nhận ra, các “cò” này không quên nói câu quen thuộc: “Mua NƠXH nộp trực tiếp qua chủ đầu tư không bao giờ chị có suất, vì hồ sơ rất đông. Đây là những suất ngoại giao và đảm bảo vào hợp đồng đúng tên, đúng người”. Môi giới đưa ra giá đặt cọc 30- 50 triệu đồng và hứa nếu không mua được sẽ trả lại cọc. Ngoài ra, để chọn được căn, người mua phải mất thêm từ 70 đến 100 triệu đồng.

Giả mạo chủ đầu tư rao bán căn hộ cũng diễn ra tương tự tại dự án NƠXH 01 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội (chủ đầu tư dự án này là UDIC). Đây là dự án gây xôn xao thị trường khi ở vị trí đẹp. Nhiều “cò” ngang nhiên chụp ảnh trước cổng dự án, đưa lên mạng xã hội để tạo uy tín với khách hàng. Thực tế, cả 2 dự án trên đều chưa có thông tin mở bán trên web của Sở Xây dựng Hà Nội và chủ đầu tư vẫn đang trong quá trình làm hạ tầng.

Biết vi phạm pháp luật nhưng chỉ có thể cảnh báo

Đại diện Công ty CP BIC Việt Nam cho biết, dự án NƠXH Thượng Thanh (Long Biên), chủ đầu tư có 1 toà nhà 22 tầng, 2 toà còn lại của chủ đầu tư Him Lam Thủ đô. Dự án đang trong quá trình khởi công hạ tầng, chưa công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như thời gian nhận hồ sơ.

Tuy nhiên vị này cho rằng, khoảng hai tháng gần đây trên các trang web mua bán, mạng xã hội có rất nhiều thông tin môi giới đứng tên chuyên viên của Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô và Công ty Cổ phần BIC Việt Nam nhận hồ sơ mua bán căn hộ tại dự án nêu trên và đề nghị chuyển mức phí khoảng từ 50-70 triệu đồng. Đây là những hành vi có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm pháp luật Việt Nam. Công ty khuyến cáo khách hàng khi tìm hiểu thông tin chi tiết dự án nên trực tiếp đến tận văn phòng của chủ đầu tư để cập nhật thông tin dự án và nộp hồ sơ trực tiếp. Tất cả đều không mất chi phí.

Nguồn cung nhà ở xã hội thiếu: Giả mạo chủ đầu tư nhận cọc - Ảnh 1.

Môi giới chụp ảnh trước cổng dự án NƠXH Hạ Đình đăng lên mạng xã hội “làm màu” với khách hàng Ảnh: Ngọc Mai

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 4 năm qua, Sở Xây dựng Hà Nội thường xuyên cập nhật đầy đủ các thông tin mỗi khi có dự án NƠXH mở bán. Sở Xây dựng nêu rõ thông tin về dự án, giá bán, chủ đầu tư, thời gian, địa điểm nộp hồ sơ đăng kí mua, số điện thoại liên hệ của chủ đầu tư...

Cuối thông báo về dự án NƠXH đang mở bán, Sở Xây dựng có phần lưu ý để mua tránh rủi ro: “Chủ đầu tư chỉ tiếp nhận hồ sơ nộp tại địa điểm duy nhất nêu trên”; “Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách về NƠXH và nhu cầu của người dân để thu tiền, tiền đặt cọc sai quy định”; “Sở Xây dựng khuyến cáo người dân không nhận chuyển nhượng trái quy định về NƠXH và không đăng kí nộp đơn mua NƠXH tại các địa điểm không được chủ đầu tư thông báo trên website của Sở Xây dựng Hà Nội (www.soxaydung.hanoi.gov.vn)”.

Mặc dù thông tin về các dự án NƠXH được Sở Xây dựng và chủ đầu tư thông tin đầy đủ, nhưng không phải người dân nào cũng đủ am hiểu về quy trình mua NƠXH và tiếp cận được các thông tin chính thống này. Vì vậy, không ít người mua đã phải chi một khoản tiền lớn cho các công ty môi giới, “cò” mồi dưới hình thức “hợp đồng tư vấn” hoặc đơn giản cũng chỉ là tờ giấy viết tay giữa 2 bên.