"Người dân không thể ngồi yên sử dụng đất ruộng chỉ để trồng lúa khi thị trường bất động sản sôi động"

Đây là nhận định của Thạc sỹ Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản tại Tọa đàm "Vận hội mới của thị trường bất động sản".

Phát biểu tại tọa đàm, Thạc sỹ Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản cho rằng, đất nông nghiệp vẫn đang là một vấn đề vẫn còn trăn trở với các cơ quan quản lý. Hiện nay, người dân không thể ngồi yên sử dụng đất ruộng chỉ để trồng lúa khi thị trường bất động sản sôi động như vậy. Do đó, người dân có nhu cầu về tích trữ ruộng đất, kết hợp với kinh doanh sản xuất.

Trong khi đó, vấn đề hiện giờ đất nông nghiệp đang sử dụng lãng phí vì bỏ hoang, ông Đỉnh hy vọng luật mới sẽ "cởi trói" cho đất nông nghiệp. Một ví dụ điển hình là khi người dân kết hợp đất nông nghiệp với nuôi trồng, tuy không đúng quy định nhưng doanh thu nuôi tôm gấp 30 lần trồng lúa nên người dân sẽ tìm cách để làm, thậm chí là trái phép.

Thạc sỹ Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản phát biểu tại sự kiện.


Thực tế, Luật đất đai phát triển cân bằng với vùng miền, các chủ thể khác nhau. Trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhưng người trồng lúa cũng cần cơ chế để đảm bảo quyền lợi. Bên cạnh đó, có những tỉnh nghèo nên đã có cơ chế làm sân golf, khu đô thị, khu công nghiệp để trở nên giàu.

"Tôi đánh giá cao luật về vấn đề về sự phát triển cân đối. Đặc biệt, có quy hoạch tỉnh nào trồng lúa để giữ ruộng, có công cụ về điều tiết ngân sách theo các luật liên quan để hỗ trợ ngân sách cho các tỉnh đó", ông Đỉnh cho hay.

Ngoài ra, về vấn đề cân đối giữa các đối tượng, ông Đỉnh đánh giá cao vì đã đạt được mục đích vì luật lần này có sự mở rộng về không gian sử dụng đất, tạo hành lang pháp lý cho lấn biển, mở rộng đất về phía biển, tăng sử dụng đất theo chiều ngang, có những cơ chế về sử dụng đất không gian ngầm, trên không hay tăng kích thước sử dụng đất theo chiều dọc.

"Nếu không tăng diện tích sử dụng đất theo chiều ngang/dọc thì chúng ta tăng chất lượng sử dụng đất. Do đó, tôi đánh giá vấn đề sử dụng đất đa mục đích là vấn đề rất hay trong luật mới lần này", vị chuyên gia nhận định.

Một điểm được ông đánh giá cao nữa là người dân được sử dụng kết hợp trồng lúa và kinh doanh với những mô hình. Ông lấy dẫn chứng, hiện nay ruộng kết hợp với kinh doanh cafe mang lại lợi ích rất nhiều, khi doanh thu 1 tháng có thể bằng trồng lúa cả năm, nhưng không có khung pháp lý nên vẫn bị xem là hành vi trái phép. Do đó, trong luật lần này sẽ hợp thức hoá vấn đề đó trên cơ sở hài hoà lợi ích các chủ thể trong xã hội.

Như vậy, người dân cần phải có phương án trình cơ quan quản lý để có sự quản lý chặt chẽ khi dùng đất nông nghiệp kết hợp thương mại dịch vụ. Khi đó, sẽ hài hoà lợi ích các chủ thể, nhà nước và người dân.

Vấn đề nữa là làm sao để có biện pháp thu ngân sách đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người dân. Điều đó đảm bảo người dân hưởng lợi sử dụng đất kết hợp thương mại dịch vụ thì cần chi 1 phần vào ngân sách Nhà nước để cho các chủ thể khác sẽ được hưởng lợi thêm từ việc kinh doanh đó. Vị chuyên gia cho rằng, đây cũng là một vấn đề rất quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện luật đất đai.

Làm sao để kết hợp làm sao đất ruộng với kinh doanh, nhưng tránh việc chuyển mục đích sử dụng xây nhà kiên cố bằng bê tông cốt thép sẽ không thể quay lại đất trồng lúa. Do đó, đây cũng là vấn đề "chấp chới" giữa sử dụng đất kết hợp và chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, ông Đỉnh bày tỏ sự e ngại.

Cùng bàn luận xoay quanh về vấn đề đất nông nghiệp, đặc biệt là các loại hình homestay, farmstay phát triển tràn lan, không có quy hoạch, ông Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: "Theo quan điểm cá nhân của tôi, có 2 phương thức: một là người sản xuất nông nghiệp sửa dụng đất kết hợp để sử dụng làm du lịch, hai là đất du lịch làm nông nghiệp để thu hút thì đây là đất thương mại".

Như vậy, Luật đã có quy định trong điều 218 Luật Đất đai, cho phép sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích để tăng thu nhập nhưng chỉ sử dụng trong mục đích kết hợp và vẫn sử dụng mục đích nông nghiệp chính chứ không phải chuyển mục đích sử dụng đất hoàn toàn.