Chấp nhận bù lỗ hoặc bán “dưới giá vốn”
Theo ghi nhận, những cụm từ như “bán dưới giá vốn” “cần tiền bán gấp” “cần tiền bán nhanh”…. đã và đang xuất hiện khá nhiều trên các tin rao bán ở thời điểm hiện tại, bao gồm ở cả loại hình căn hộ chung cư và BĐS du lịch tại các thị trường ven biển.
Theo các chuyên gia, việc các NĐT rao bán “cắt lỗ” không còn là hiện tượng mới lạ giữa mùa dịch Covid - 19, hiện tượng này đã xuất hiện nhỏ lẻ trước Tết khi mà một số NĐT khó thu được dòng tiền từ việc cho thuê.
Ở thời điểm này có khá nhiều NĐT sở hữu từ 6-10 biệt thự, căn hộ du lịch ở thị trường ven biển như Hội An, Nha Trang, Đà Nẵng….đã rao bán bớt tài sản vì khó khăn từ dịch bệnh.
Anh Kh, một NĐT sở hữu 2 căn hộ và 1 khách sạn cho thuê tại Nha Trang từ thời điểm tháng 8/2019 chia sẻ, sau khi sở hữu căn hộ việc cho thuê chỉ duy trì được ít tháng, đến cuối năm 2019 cũng “không ăn thua”, sau Tết có dịch, khách hủy phòng khiến phòng nhiều lần bỏ trống. Hiện tại thì anh Kh không thu được đồng nào từ việc cho khách du lịch thuê.
Theo đó, anh đang gửi các bên rao bán lại một căn hộ diện tích hơn 70m2 tại Nha Trang. Theo anh Kh, nếu tính ra căn hộ chào bán anh đã chịu lỗ khoảng 50 triệu đồng so với thời điểm anh mua vào vì đang cần tiền gấp nên anh cũng muốn bán cho nhanh để bù vào các chi phí vận hành phát sinh trước đó.
Ở một số kênh rao tin bán BĐS hiện đã bắt đầu xuất hiện các thông tin như “cần NĐT mua căn hộ du lịch, chấp nhận bán lỗ, bán dưới giá vốn” hay “giá bán mùa dịch Covid-19 không thể rẻ hơn…”… các căn hộ được rao bán thường có giá trên dưới 2 tỉ đồng/căn, tọa lạc ở các điểm du lịch mà trước đó chủ yếu đón lượng khách du lịch từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Hiện tại, đang vào mùa “cao điểm Covid-19”, số phòng trống tăng lên khiến NĐT không còn cách nào khác là chấp nhận bù lỗ hoặc tìm cách để bảo toàn dòng vốn bằng cách bán lỗ một vài sản phẩm.
Theo ông Vũ, một NĐT BĐS du lịch lâu năm sống tại Tp.HCM, với những NĐT nhỏ lẻ đầu tư vào BĐS du lịch thường số vốn không nhiều, lại ở xa, phải tự mình quản lý, gặp dịch, không có khách là một khó khăn rất lớn đối với họ. Tuy nhiên, việc chấp nhận bán sản phẩm hoặc bán lỗ so với giá mua ban đầu cũng chỉ xuất hiện ở một số NĐT quá khó khăn, không thể xoay sở được dòng tiền để bù vào các chi phí vận hành.
Đối với những NĐT xoay sở được thì vẫn cố gắng giữ tài sản để vận hành sau dịch. Theo ông Vũ, đa số những sản phẩm bán “dưới giá vốn” là do NĐT đang cần tiền gấp hoặc vay ngân hàng để vận hành tài sản. Vì thế, việc bán ra để bảo tồn dòng vốn cũng là cách khôn ngoan để họ vượt qua khó khăn lúc này. Và hiện tượng này cũng chỉ mới “bắt đầu” ở thời điểm này.
Cơ hội cho người giàu tích tài sản
Cũng theo NĐT này, thực tế BĐS chưa bao giờ có cuộc lao dốc mạnh về giá bán. Kinh nghiệm của bản thân đầu tư BĐS hơn 10 năm nay cho thấy, giá BĐS chỉ đi lên, mức độ đi lên phục thuộc vào từng phân khúc, không nhiều thì ít. Tuy vậy, khi thị trường khó khăn thì cuộc chơi sẽ không dành cho NĐT “lướt ván”, phải là những người có tầm nhìn dài hạn, có dòng vốn nhàn rỗi tương đối tốt.
Cùng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp BĐS Tp.HCM cho rằng, trong giai đoạn hiện nay cơ hội đầu tư ngắn hạn không còn do tính thanh khoản giảm, dòng tiền đang lưu thông chậm và giảm mạnh. Đầu tư ngắn hạn thường chỉ mang yếu tố thời điểm khi thị trường sôi động hay có các yếu tố kích hoạt bất ngờ như công bố quy hoạch mới, mở đường hay khởi động các dự án trọng điểm. Còn lại các NĐT dài hạn, có nguồn lực tốt họ sẽ lựa chọn các sản phẩm tốt và chờ đợi đến khi thị trường khởi sắc trở lại.
Theo doanh nghiệp này, trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào thì các tài sản như vàng, ngoại tệ, BĐS đều có cơ hội là nơi “trú ẩn” an toàn. Với BĐS thì phải đảm bảo được các yếu tố như giữ được giá trị hay thậm chí tăng giá, có tính thanh khoản tốt, có thể khai thác kinh doanh hoặc cho thuê... thì mới được nhà đầu tư quan tâm. Trong bối cảnh một số NĐT bán gấp tài sản để thu dòng vốn cũng là cơ hội cho các NĐT có dòng tiền nhàn rỗi tốt, vì chắc chắn những sản phẩm này sẽ hồi phục nhanh khi thị trường quay lại quỹ đạo bình thường.
Ông Mauro Gasparotti, giám đốc Savills Châu Á Thái Bình Dương từng nhấn mạnh, thông thường, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng. Đây là cơ sở để tin tưởng vào tương lai ngành BĐS nghỉ dưỡng khi mà Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc kiểm soát sự lây lan.
Còn theo đại diện CBRE Việt Nam cho rằng, khi giao dịch có xu hướng giảm, thì thường là cơ hội để các NĐT có dòng tiền vững chắc vào đón sóng và chờ cơ hội phía trước. Bởi thực tế, BĐS ở những khu vực có hạ tầng giao thông tốt, pháp lý rõ ràng, vận hành suôn sẻ thì dòng tiền đem về cho NĐT vẫn rất tốt, chưa kể, BĐS vẫn được đánh giá là kênh bỏ tiền an toàn của nhiều người, ít ra đó là một tài sản gắn liền với nhiều thế hệ.