Năm 2020, Vinaconex lấn sân mảng BOT hạ tầng, tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng

Năm 2020, Vinaconex tự tin đặt chỉ tiêu kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao hơn 2019. Đồng thời khẳng định tính minh bạch trong quản trị dòng tiền và giám sát quản lý vốn tại các đơn vị thành viên.

Năm 2019, tập trung 3 mảng Xây dựng - Bất động sản - Đầu tư tài chính

Sáng 29/6, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex-VCG) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2020. Theo báo cáo gửi cổ đông trước đại hội 2019 là năm đầu tiên Vinaconex hoạt động với sự thay đổi hoàn toàn cơ cấu cổ đông (không còn cổ đông Nhà nước). 

Báo cáo tài chính năm 2019 ghi nhận tổng công ty đã hoàn thành các chỉ tiêu lợi nhuận theo kế hoạch ĐHCĐ và có sự tăng trưởng cao so với năm 2018. Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tổng công ty đạt 98% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 787 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch và bằng 123% năm 2018. Riêng công ty mẹ đạt doanh thu 98% kế hoạch và bằng 124% năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 727 tỷ đồng, đạt 112% kế hoạch và bằng 124% năm 2018.

Được biết, các công ty thành viên có kết quả kinh doanh tốt, có 04 công ty đã đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng (Vinaconex CM, Vinaconex 9, Vinaconex 25, Vimeco)…Công ty Vinaconex INVEST, Vinaconex CM, NEDI2, VIWACO, VINASINCO, Dung Quất....

Để đạt được kết quả tích cực trong năm 2019, Vinaconex cho biết công ty tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh theo định hướng phát triển "Xây dựng - Bất động sản - Đầu tư tài chính". Theo đó, Vinaconex tập trung triển thi công xây dựng nhiều công trình thay cho cách làm chính trước đây là mô hình tổng thầu quản lý. Chính vì thế, nhiều công trình trên cả 3 mảng đều (xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật) đều mang dấu ấn của "đại gia đình Vinaconex".

Với hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, trong năm 2019, Vinaconex tiếp tục chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư tại Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác. Bên cạnh các dự án đã triển khai, Vinaconex đã tìm kiếm nhiều dự án đầu tư mới tại Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, TP HCM….. Song song với đó, hoạt động cho thuê bất động sản tiếp tục được quản lý, khai thác tại các tòa nhà của Vinaconex sở hữu và vận hành.

Với mảng đầu tư tài chính, Vinaconex cho biết, các công ty con, công ty liên doanh, liên kết có vốn góp hoạt động ổn định, tạo thành chuỗi giá trị bổ trợ cho hoạt động xây lắp và bất động sản, góp phần tăng quy mô và lợi nhuận cho Tổng công ty. Công tác quản lý vốn, kiểm tra, giám sát các đơn vị có vốn đầu tư của Vinaconex được thực hiện nghiêm túc.

Năm 2020, Vinaconex lấn sân mảng BOT hạ tầng, tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 1.

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai do Vinaconex triển khai xây dựng.

Đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng năm 2020

Theo báo cáo tài chính quý I/2020, trong kỳ, Vinaconex ghi nhận doanh thu chỉ 1.000 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế quý I cũng chỉ đạt 63 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ.

Theo lý giải của Vinaconex, kết quả kinh doanh quý 1/2020 giảm là do tác động của đại dịch Covid-19. Ở Việt Nam, mặc dù, công tác kiểm soát dịch Covid-19 thuộc top đầu trên thế giới, nhưng khó tránh khỏi các tác động làm suy giảm tăng trưởng kinh tế nói chung và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng. Thực tế ghi nhận, trước bối cảnh khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm tăng trưởng, thậm chí là xoay xở để bớt thua lỗ hoặc chỉ để duy trì "hơi thở".

Mặc dù doanh thu quý 1 giảm nhưng Vinaconex vẫn đặt kế hoạch mục tiêu trong năm 2020 tăng trưởng về lợi nhuận. Theo tài liệu công bố trước khi diễn ra ĐHCĐ, năm 2020 tổng công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 820 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2019, riêng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng 10%. Đặc biệt hơn, trong bối cảnh khó khăn chung, HĐQT của Vinaconex vẫn đặt mục tiêu chi trả cổ tức 12% trong năm 2020, tăng gấp đôi so với cổ tức ước thực hiện của năm 2019.

Trong mảng xây dựng, Vinaconex sẽ tổ chức mô hình thi công trực tiếp kết hợp với mô hình tổng thầu quản lý. Phấn đấu ký hợp đồng mới trong năm 2020 các công trình như Foxconn E5-E6 (đã ký tháng 3/2020), Cầu Vàm Trà Lọt (đã trúng thầu đang thương thảo hợp đồng), toà tháp VOV, Valuetronic, Qisda-BenQ, Lotte Mall Hanoi, …Đồng thời, công ty sẽ đẩy mạnh công tác đấu thầu, đặc biệt là các công trình hạ tầng, các dự án đầu tư công do Nhà Nước đầu tư trong gói kích thích phát triển kinh tế của Chính phủ.

Với hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, trong năm 2020 công ty mẹ và các công ty thành viên sẽ tập trung triển khai các dự án đầu tư hiện sẵn có, đồng thời tăng cường tìm kiếm các dự án mới có tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư vào các dự án BOT hạ tầng giao thông trọng điểm để tạo công ăn việc làm cho cả Tổng công ty.

Còn với đầu tư tài chính, Tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai công tác quản lý và giám sát hoạt động của các công ty có vốn góp để tăng cường công tác quản trị, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Lý giải cho mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020, đại diện lãnh đạo Vinaconex cho hay, khó khăn trong những tháng đầu năm là có thật và điều này sẽ còn tiếp diễn khó lường trong những tháng cuối năm. Do vậy, khi xây dựng mục tiêu, các thành viên ban lãnh đạo đã phải thảo luận, tính toán rất kỹ, thậm chí là thận trọng để đảm bảo "cuối năm chắc thắng".