Theo ông Vi, “xuống tiền” mua nhà phố riêng lẻ cũ hay mới điều tiên quyết đầu tiên vẫn là dựa vào nhu cầu thực và khả năng chi trả của người mua.
Hiện nay, không ít người mua vẫn khá lưỡng lự giữa việc chọn mua nhà mới và nhà cũ, tỉ lệ băn khoăn là 50/50.
Có 3 tiêu chí người mua đặt lên đầu khi chọn nhà phố riêng lẻ là vị trí, hẻm và tiện ích khu vực. Sau đó mới tới phần xây dựng.
Đối với nhà cũ
Ông Phan Vi chỉ ra 2 dạng căn mà người mua cần lưu ý.
Thứ nhất, các căn được xây mới để bán cách đây 5 năm hoặc lâu hơn. Việc xây bán chắc chắn chủ đầu tư hoặc cá nhân kinh doanh mua nhà cũ xây lại hoặc sửa lại bán.
Giá họ mua vào ở mức trung bình khá. Nếu gặp phải chủ đầu tư không có tâm thì nhà sẽ mau xuống cấp. Người mua nhà dạng này chắc chắn phải chi trả giá cao hơn, “ngang ngửa” với giá một căn nhà “mới tinh” vì lúc mua đó là hiện trạng căn nhà mới dù đã qua sửa chữa.
Thứ hai, là cũ nhưng chủ nhà xây để ở, họ chăm chút đến từng viên gạch lót sân, thường quá đà trong việc lựa chọn tốt nhất để xây dựng. Kết cấu chắc chắn, nội thất tốt, thương hiệu tốt và bền. Bằng trực quan khi người mua đi xem nhà sẽ cảm nhận được điều này. Tuy nhà xây cách đây 5 - 8 năm nhưng vẫn như mới và không có dấu hiệu thấm dột thời gian.
Ông Phan Vi chỉ ra các điều lưu ý khi mua nhà cũ:
Nhà có bản vẽ không, việc cần quan tâm là hệ thống điện nước và thoát nước. Thường phần lớn nhà dân xây dạng cấp 3 hoặc cấp 4 không có bản vẽ, tiết kiệm chi phí thiết kế. Cho nên khi xem nhà người mua cần lưu ý hệ thống điện nước và thoát nước, nếu có quen bên xây dựng thì mời người này cùng bạn đi xem và đánh giá mức độ.
Nhà ở Việt Nam vào mùa mưa rất dễ cho ta đánh giá căn nhà đó xây có tốt hay không có lỗi kỹ thuật giữa các tầng với nhau, đọng nước thấm tầng nhất là toilet và sân thượng.
Xem cột kèo tường có nức hay không? nhà có sửa lại chưa? điểm khác biệt không đồng bộ cũng cho thấy nhà đã qua sửa chữa.
Việc ẩm mốc theo thời gian nhà nào cũng có, tùy vào mức độ nặng nhẹ mà người mua đàm phán giá mua hợp lý.
Đối với nhà mới
Cũng như nhà cũ, loại hình này cũng có 2 dạng người mua cần lưu ý.
Thứ nhất, nhà mới xây để bán, dạng này có đầy đủ nội thất và nội thất cơ bản. Tuy là nhà mới nhưng có thể không đúng kiểu thiết kế người mua thích nhưng cũng là dạng hiện đại ngay tại thời điểm mua. Lúc này việc đánh giá chất lượng sản phẩm cũng khá khó khăn vì người mua đa số không phải người trong nghề xây dựng và thiết kế.
Giá trị nội thất từng món được trang bị trong nhà mua lại với giá bán lẻ, điều đó là hiển nhiên.
Tùy vào tổng diện tích xây dựng thô người mua cứ lấy giá trung bình 6 triệu nhân cho tổng diện tích sàn sau đó ướm giá nội thất . Cuối cùng cộng giá đất. Nhưng thêm yếu tố giá trị vị trí (thanh khoản). Cộng vào tất cả ra giá bán.
Mua nhà mới giúp người mua không tốn thời gian xây dựng (người chuyên nghiệp mất 5 tháng xây, người ngoài nghề xây dựng phải hơn 5 tháng và đội chi phí tầm 20% đến 25%); Việc xin giấy phép xây dựng và hoàn công pháp lý đã được làm sẵn; Dọn vào ở luôn, thậm chí người mua có thể khai thác cho thuê và có giá.
Thứ hai, là nhà được sửa lại mới, nhà cũ được tân trang lại, cũng dựa vào nhà còn mới được bao nhiêu %. Có căn chỉ cần sơn phết mới và thiết kế lại nội thất. Có căn là nhà cũ tân trang nhưng có căn làm mới hoàn toàn, sau khi ở thời gian mới phát hiện.
Mua những căn này rủi ro 50/50 vì thời hạn thấm dột và cốt thép căn nhà được khỏa lấp chiếc áo mới, màu sơn mới tinh nhưng sau 2 năm có thể loang lổ vì tường ẩm.
Theo ông Phan Vi, việc lựa chọn mua mới hay cũ tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân cũng như khả năng về tài chính của mỗi gia đình.
Theo đó, mỗi loại hình có ưu điểm và nhược điểm riêng. Nhưng quan trọng là người mua đánh giá được mức độ của căn nhà mà có phương án mua hoặc sửa chữa lại hợp lý.
Cụ thể, nhà cũ giá như bán đất: Phương án xây mới hoặc sửa chữa theo ý thích cá nhân.
Nhà mới giá bán mới thường cao hơn: Tiết kiệm cho người mua thời gian xây dựng lẫn các loại giấy tờ xây dựng.