Đi một vòng qua các khu vực Lương Sơn (Hòa Bình), Hòa Lạc, Ba Vì, Quốc Oai (Hà Nội), đất đang canh tác, trồng cây cũng được người dân san vườn san ruộng rao bán. Thậm chí, đất đang tranh chấp, đất lấn chiếm, đất thuê trồng cây lâu năm cũng được truyền hết từ tay người này đến người kia. Giá tháng trước quay đi tháng sau quay lại đã tăng gấp rưỡi, thậm chí khách vừa xem xong muốn chốt cọc ngay thì môi giới báo chủ nhà đã bán lúc 10h tối qua.
Nhiều nơi như Phú Quốc, Thủ Đức lên thành phố giá đất tăng cao, nhà đầu tư đổ về còn lý giải được nhưng có những vùng đất mới manh nha một chút thông tin về hạ tầng cao tốc, sân bay vẫn còn nằm trên giấy như Bảo Lộc, Quảng Hớn...thì ô tô đã xếp hàng dài chờ mua đất. Giá nhảy theo ngày, cơn sốt bùng lên rồi nhanh chóng xẹp đi như người thổi bong bóng.
Dọc các thị trường ven biển miền Trung như Thanh Hóa, đất đấu giá sốt sùng sục. Có những khu đất chưa đầy 20 nền nhưng số lượng hồ sơ nộp vào đã lên con số 500-600. Hay tại Bắc Giang, dù không có sân bay, cao tốc mới được xây dựng nhưng đất "tự nhiên sốt", người dân cũng không hiểu lý do vì sao giá tăng vọt hàng ngày.
Đất Ba Vì quay cuồng trong cơn sốt, đất đang canh tác cũng được san nền ra bán.
Cuối tuần, đi theo đại lộ Thăng Long hàng dãy xe ô tô mang biển Hà Nội đuổi nhau chạy thẳng lên Ba Vì, Hòa Bình. Thậm chí ngay giữa trưa nhiều đoạn rẽ từ đại lộ Thăng Long đi Hòa Bình và Ba Vì tắc đường. Xe con nườm nượp chạy theo thông tin sốt nóng giá đất Ba Vì, Hòa Bình.
Chị Linh, một nhà đầu tư lăn lộn hết từ Nam đến Bắc cho biết hàng chục năm qua mới tái diễn tình trạng sốt đất như thế này, đất xấu đất kẹt mấy năm trước không bán được năm nay cháy hàng. Môi giới không có hàng để bán, dự án không ra được hàng mới, còn lô nào nào nhà đầu tư mua bán tranh nhau.
"Có những lần đi mua bán đất vào chủ nhật, chốt là cọc luôn. Có những miếng đất chủ đất cần tiền yêu cầu mua bán gấp tôi đành rút tiền mặt đóng vào thùng carton mang đi. Thậm chí có những chủ đất vốn là nông dân họ ít khi giao dịch ngân hàng nên vẫn thích tiền mặt hơn. Chính vì thế, xác định đi xem đất là tiền đã sẵn túi, ưng lô nào là chồng tiền ngay tại trận", chị Ninh cho biết.
Cũng như chị Ninh, anh Luân một nhà đầu tư vừa về từ Tây Nguyên cho biết, cuối tuần vừa qua anh cùng một nhóm nhà đầu tư vừa vào Măng Đen săn lùng đất. Trước khi đi, tài khoản mỗi người luôn sẵn sàng vài tỷ, chốt được là chuyển cọc và làm giấy tờ thủ tục luôn.
"Do khoảng cách từ Hà Nội vào Măng Đen xa nên cả nhóm xác định 2 ngày tìm đất, ô nào ưng là đi làm thủ tục chuyển nhượng luôn, bỏ qua khâu cọc để không mất nhiều thời gian bay ra bay vào lo khoản giấy tờ. Công chứng xong, cả nhóm lại nhờ môi giới rao bán, được giá sẽ bán ngay", anh Luân cho biết.
Tiền được nhà đầu tư đóng cọc bỏ sẵn trong thùng giấy để mang đi giao dịch nhà đất.
Là một người mới bước chân vào thị trường BĐS khoảng hơn 1 năm nay, anh Khiêm cũng bị cuốn vào cơn sốt đất trong năm 2021 khi vừa chốt lãi được 4 tỷ từ các khoản đầu tư BĐS từ năm ngoái.
Nghe phong phanh một dự án tại Hà Nội đã chết nhiều năm chuẩn bị có quy hoạch, 7h tối anh Khiêm phi ngay xuống dự án tìm hiểu. Cả đêm anh gọi điện cho môi giới để chốt lô. Ngay sáng hôm sau, anh đặt cọc 300 triệu, ngày tiếp theo anh huy động 2 tỷ còn lại của bạn bè và người thân, thậm chí vay nóng để chuyển tiền cho chủ nhà trong lúc chờ món vay từ ngân hàng giải ngân.
"Thời điểm ấy chủ lô đất đang cần bán để chốt miếng đất trong Phú Quốc nên họ yêu cầu tiền gấp. Tôi chỉ sợ họ biết thông tin quy hoạch bỏ cọc không bán nữa. Tôi mua xong thì hôm sau dự án được duyệt quy hoạch 1/500 đất tăng giá vù vù. Mới mua xong có nửa tháng hiện lô đất của tôi đã có người trả gấp đôi tiền", anh Khiêm tâm sự.
Đất đai được rao bán khắp mọi nơi, biển treo đầy đường như bán trà đá.
Không chỉ người mua mà ngay cả người bán cũng hỉ hả trong cơn sốt đất. Đất tăng giá từng ngày, nhiều người nhận cọc của khách rồi sẵn sàng đền cọc gấp đôi để bán cho khách khác giá cao hơn. Thậm chí, có những miếng đất mới cọc chưa làm thủ tục sang tên lại tiếp tục được nhà đầu tư mới lướt cọc bán cho người khác.
Có thể nói, đã lâu lắm rồi khắp mọi nơi mới quay cuồng trong cơn sốt đất. Ở thời điểm hiện tại số lượng người thắng nhiều hơn người thua, nhà đầu tư vẫn chốt lời từng chồng tiền. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng sẽ có lúc kết thúc, giá không thể cứ mãi tăng được và sẽ đến lúc sẽ chững lại. Khi đó nhà đầu tư cuối dùng đòn bẩy tài chính không chịu được sẽ phải giảm giá bán ra. Thị trường lại bắt đầu vào chu kỳ trầm lắng mới!