Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP HCM vừa có báo cáo về đề án nhánh "Định hướng phát triển hạ tầng đô thị các huyện ngoại thành TP HCM" (thuộc đề án "Đầu tư - Xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP HCM".
Huyện Nhà Bè đang dần tiệm cận đô thị loại II.
Hình thành vành đai đô thị "ngủ"
Theo Sở QH-KT, ngoại trừ huyện Nhà Bè đang dần tiệm cận với đô thị loại II thì 4 huyện còn lại hướng đến đô thị loại III, riêng huyện Bình Chánh gần đạt được đô thị loại III. Việc giải quyết các vấn đề về giao thông kết nối có thể xem là nhiệm vụ xương sống tạo bước đệm cho sự phát triển lan tỏa đột phá.
Báo cáo cũng so sánh hiệu quả sử dụng nguồn lực gắn với cấu trúc đất đai và lao động của các huyện. Theo đó, khi tăng trưởng dân số, tăng trưởng sản lượng (GRDP) và chuyển dịch đất đai (gộp cả nhà ở và công trình xây dựng khác) cho thấy đất đai đang chuyển dịch nén tại huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè.
"Còn huyện Củ Chi và Cần Giờ tăng trưởng đất đai nhanh hơn tăng trưởng dân số, cho thấy có tình trạng đầu cơ hoặc sử dụng đất chưa hiệu quả" – Sở QH-KT nhận định.
Bên cạnh đó, một số vùng ven đã gần hình thành vành đai đô thị "ngủ" (ít sáng đèn hơn khu trung tâm thành phố) và có mật độ dịch vụ thấp hơn.
Quỹ đất thuận lợi cho xây dựng giai đoạn sắp tới ngày càng hạn hẹp, trừ khu đô thị và công nghiệp Tây Bắc đã quy hoạch phát triển đô thị - công nghiệp chưa triển khai.
Các khu vực ngoại thành nếu chưa bê tông hóa thì hầu hết nằm ở khu vực ít thuận lợi hoặc không thuận lợi xây dựng. Nếu lựa chọn cách làm thông thường là tôn nền và bê tông hóa diện rộng khu vực này, rủi ro sụt lún, ngập lụt có thể lan tới cả khu vực nội thành trong bối cảnh tần suất trận mưa cường độ lớn ngày càng gia tăng trong xu hướng biến đổi khí hậu cực đoan.
Ngoài ra, với cấu trúc không gian hiện tại, các khu vực không tiếp cận được lõi trung tâm trong vòng 60 phút chưa thể thu hút đầu tư và phát triển bứt phá, còn các khu vực bên trong khu vực tiếp cận này tại vùng ven dễ trở thành đô thị "ngủ" trừ khi có động lực tăng trưởng đủ lớn.
Khả năng bứt phá của các huyện
Về mặt nhu cầu, với kịch bản tăng trưởng dân số trung bình thấp hơn giai đoạn trước (2011-2020), dự báo tăng trưởng dân số giai đoạn 2021-2030 ở các huyện ngoại thành trong khoảng 1,3-1,5 triệu người.
Trong đó, tăng trưởng dân số sẽ tập trung vào một số huyện như Bình Chánh (trên 500.000), Hóc Môn và Nhà Bè (trên 300.000). Các quận mới phát triển kề cận huyện cũng có gia tăng dân số, còn khu vực nội đô sẽ ổn định hoặc giảm.
Các huyện của TP HCM cần được đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.
Về đầu tư, tổng nguồn lực được phân bổ cho đầu tư hạ tầng cho các huyện ngoại thành cho giai đoạn 2021-2030 dự kiến là 91.000 tỉ đồng, đồng thời đem lại cơ hội thu hút đầu tư tư nhân là 110.000 tỉ đồng, tổng cộng là khoảng 200.000 tỉ đồng.
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển tại chỗ (chưa tính hạ tầng kết nối nhanh) cho phát triển huyện ngoại thành trong giai đoạn 2021-2030 (dân số tăng thêm 1,4 triệu, cải thiện hạ tầng hiện hữu cho 2,1 triệu người) nhu cầu dự kiến là 10 tỉ USD.
Báo cáo của Sở QH-KT đánh giá về yêu cầu phát triển "bứt phá" của các huyện, việc này gắn với các trung tâm thứ cấp theo mô hình đô thị tiên phong (edge city).
Tuy nhiên, các "edge city" tại vùng ven xa như khu đô thị Tây Bắc Củ Chi hay Cần Thạnh phụ thuộc vào việc có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối nhanh (đường sắt đô thị, đường vành đai, và đường cao tốc) hay không.
Đô thị cảng Hiệp Phước có tiềm năng, được quy hoạch và ở vị trí gần hơn nhưng vẫn cũng cần hiện thực hóa kết nối nhanh dọc (đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia) và kết nối ngang (vành đai 4) để thu hút đầu tư và các dự án lớn.
Trong khi đó, huyện Bình Chánh có cơ hội phát triển khu Tây trở thành "edge city" nếu nhìn từ quỹ đất và vị trí, nhưng thiếu kết nối nhanh, hệ sinh thái các ngành gia công có giá trị gia tăng thấp cản trở khả năng vươn lên tầm cao.