Đó là thực tế đang diễn ra trên thị trường địa ốc hiện nay, khi mà những môi giới BĐS còn trụ lại trên thị trường cũng gặp không ít khó khăn. Họ là những người chấp nhận “sống chết” với doanh nghiệp để đi qua thời điểm “khắc nghiệt” này. Thế nhưng, ngay cả khi chấp nhận làm việc nhiều hơn, giảm lương nhưng dường như tinh thần của họ đang có dấu hiệu giảm sút khi mà thị trường rơi vào trạng thái “bất động” nhiều tháng liền.
Theo một Tổng giám đốc doanh nghiệp BĐS tại Tp.HCM, thời điểm đầu của dịch Covid-19 xuất hiện, các sales còn khá hăng hái nhiệt tình làm việc, tư vấn khách hàng, đến thời điểm hiện tại thì nhiều sales không muốn gặp khách hàng vì sợ lây bệnh; còn hoạt động tư vấn khách bằng Cellphone, email…không mang lại hiệu quả nên nhiều môi giới có biểu hiện “chán nản”.
Một môi giới doanh nghiệp BĐS có trụ sở tại Q.2 chia sẻ, giờ đi cũng không đành, mà ở cũng không xong. Vì nếu nghỉ cũng không biết xin việc làm trong bối cảnh hiện nay, còn làm thì không có khách hàng, không bán được hàng. Hơn nữa, lúc doanh nghiệp khó khăn mà “bỏ đi” thì cũng không đành.
Thế nên, theo nam môi giới này thực sự hiện tại đang rơi vào trạng thái “bối rối” và chờ mong từng ngày để dịch qua đi. “Mình cũng mới nhận được thông báo từ công ty là sẽ chậm lương 1 tháng. Đây là thời điểm mà có thể nói là cực kì khó khăn với nghề của tụi mình”, môi giới này tiết lộ.
Theo ghi nhận, suốt thời gian qua, số lượng môi giới BĐS đã “rơi rụng” ít nhất khoảng 1/3. Với những người trụ lại với doanh nghiệp là những người đã phải chuẩn bị nguồn tài chính để “sống” trong vòng 6-9 tháng, chờ dịch đi qua, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp lúc này. Họ là những người hi vọng “sau cơn mưa trời lại sáng”, doanh nghiệp nơi họ gắn bó sẽ hồi phục trở lại, họ sẽ là những nhân tố “sáng”, thuận lợi trên con đường nghề nghiệp của mình.
Tuy vậy, thách thức bủa vây, khiến bản thân những môi giới cảm thấy việc chờ đợi đôi khi quá sức khi mà “miếng cơm manh áo” gắn liền với cuộc sống của họ. Có lẽ lý do họ ra đi thì nhiều, còn ở lại dường như chỉ những môi giới thực sự tâm huyết với nghề, với doanh nghiệp.
Động viên, chia sẻ là những cụm từ mà các doanh nghiệp BĐS dành cho những nhân viên sales ở thời điểm này. Bởi đối với các doanh nghiệp, nhân sự ở lĩnh vực kinh doanh bao giờ cũng rất cần để doanh nghiệp phát triển. Thế nhưng, để giữ lại người tài, người tâm huyết lúc này cũng thực sự khó khi mà khó khăn cứ chồng khó khăn.
Đối với các môi giới khu vực Tp.HCM thì thời điểm này dường như là “ngồi chơi xơi nước”, còn với các môi giới khu vực tỉnh lân cận thì giao dịch hoặc việc hẹn khách đi xem đất đã giảm khoảng 70-80% so với thời điểm cách đó 1-2 tháng. Dĩ nhiên, bản thân các môi giới vẫn tin tưởng rằng, sau khi hết dịch, thì những khách hàng sẽ quay lại để tìm BĐS phù hợp, cơ hội cho nghề vẫn còn.
Có điều, ngay ở thời điểm này ít ra môi giới BĐS đã mất 3-4 tháng rơi vào trạng thái thu nhập lao dốc, thì việc trụ lại tiếp và chờ đợi cũng khiến họ không lo lắng. Chưa kể, nơi doanh nghiệp họ gắn bó liệu có vượt qua dịch thành công là những nỗi lòng của khá nhiều môi giới BĐS hiện nay.
Trong phương án ứng phó của môi giới BĐS với dịch Covid-19 thì câu chuyện về tư vấn BĐS giá rẻ cho khách hàng ở thời điểm này có thực sự kích thích được nhu cầu của thị trường. Câu trả lời của một vị chuyên gia mới đây là, trong lúc khó khăn này, môi giới hãy tư vấn cho khách hàng mua sản phẩm theo ý thích với một mức giá tốt nhất, đây không phải là thời điểm để kéo khách hàng đến với yếu tố “giá rẻ”, bởi nếu BĐS giá rẻ nhưng không đúng sở thích của khách mua thì cũng bằng 0.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trường đại diện Hội môi giới BĐS Việt Nam, khu vực miền Nam, đối với môi giới BĐS, giai đoạn này nên trau dồi, tích lũy kiến thức về BĐS, khi thị trường phục hồi sẽ là những môi giới môi giới chuyên nghiệp.
Có thể, sau dịch, nhiều sản phẩm tung ra thị trường cùng thời điểm, do đó khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chon. Từ đó, sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh giành giật khách hàng hướng về dự án của mình. Nên môi giới BĐS nào chuyên nghiệp hơn, kỹ năng tốt hơn sẽ giành phần thắng trong cuộc chơi thị trường.