Anh Linh, nhân viên Sàn bất động sản Tây Phát (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, sau Tết khi đi làm lại đội của anh vừa sắm thêm một số thiết bị như máy quay, phông xanh,… và nâng cấp máy tính để dựng video bán hàng cho dự án đang chạy đăng lên kênh youtube cũng như chia sẻ lên fanpage facebook và zalo.
Cũng như trường hợp của anh Linh, việc các Sàn giao dịch và bản thân các môi giới bất động sản cũng đang liên tục "tự nâng cấp" để thích ứng với trạng thái "bình thường mới" trong bối cảnh dịch bệnh. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ nhất vào năm 2020, khi phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội thì các hoạt động livestream giới thiệu bất động sản trực tuyến tư vấn khách hàng qua mạng ngày càng trở nên phổ biến.
Theo chia sẻ của chính lãnh đạo các Sàn bất động sản thì online chính là từ khóa cho tương lai của ngành môi giới bất động sản, việc các Sàn thiết kế ra những trường quay ảo mini, mỗi nhân viên có thể vừa quay, vừa dựng video, khi có khách kết nối thì tư vấn luôn, tất cả trong một.
Nhận định về xu hướng trên, đại diện Sàn Hải Phát Land cho rằng dù vẫn phải thừa nhận bất động sản là sản phẩm đặc thù, khách hàng cần rất nhiều thông tin để quyết định như về pháp lý, quy trình giao dịch và đây là mặt hàng có giá trị lớn cũng như thói quen của khách hàng nhưng hiện nay việc bán hàng online sau thời gian đầu gặp nhiều khó khăn thì đến nay khi đã bước sang "năm covid thứ hai" thì đang có những tiến triển, khách hàng cũng dần hình thành thói quen tốt hơn.
Thực tế cho thấy, đối với thị trường bất động sản kênh online chủ yếu là vẫn là để cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc ban đầu cho các khách hàng còn việc chốt mua cần phải có sự tư vấn sâu hơn giữa khách hàng và người môi giới. Do đó, các Sàn hiện đang duy trì song song 2 hình thức online và trực tiếp cũng như ngày càng chú trọng cho kênh online để có "data" khách hàng.
Sau khi có được thông tin khách hàng tiềm năng qua kênh online, các môi giới vẫn đưa khách hàng đi thực tế dự án theo nhóm nhỏ chứ không rầm rộ như trước
Chia sẻ về việc tăng cường kênh bán hàng online, ông Tống Thành Chung - Chủ tịch HĐQT Công ty Sky Group cho biết tại doanh nghiệp của mình khi dịch COVID-19 mới bùng phát thì kênh online chỉ có tỷ lệ "chốt sale" thành công chuyển đổi chiếm khoảng 5-10% thì đến nay sang đợt dịch thứ 2 tỷ lệ này đã tăng lên khoảng 15%. Cũng theo ông Chung, doanh nghiệp đang kỳ vọng với việc đầu tư bài bản hơn thì trong giai đoạn tới tỷ lệ khách hàng chuyển đổi được từ các công cụ bán hàng, tiếp thị online sẽ tăng lên khoảng 17-20%.
Theo ghi nhận, hiện hầu hết các đơn vị bán hàng bất động sản đều sử dụng kênh online, không chỉ dừng ở các tư vấn bán hàng trực tiếp (livestream trên youtube, facebook) mà các sàn còn tổ chức Lễ mở bán online. Tuy hiệu quả của kênh online chưa thể thay thế tức thì việc bán hàng trực tiếp nhưng theo nhiều chuyên gia nhận định thì đây là kênh phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh và cũng là tương lai của thị trường giao dịch bất động sản.
Theo ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, đã qua rồi thời kỳ phải "rong ruổi" tới từng dự án để tìm hiểu thông tin về căn nhà đã mua, chỉ cần search google đã có tới hàng vạn kết quả tìm kiếm về thông tin dự án bất động sản xuất hiện, đa dạng chủng loại từ cao cấp, trung cấp tới bình dân, nghỉ dưỡng, đất nền… để người mua nhà có thể lựa chọn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam thì chuyển đổi số trong bất động sản là yêu cầu bắt buộc và là xu thế của tương lai nhưng dòng chảy của sự phát triển sẽ không chờ ai. Công nghệ đang thay đổi rất nhanh, buộc các doanh nghiệp phải sẵn sàng thay đổi để thích ứng.
Đội ngũ bán hàng, marketing của các công ty bất động sản cần phải có sự sáng tạo và cập nhật liên tục xu hướng để có những chiến lược tốt nhất nhằm phục vụ khách hàng cũng như chiếm ưu thế trong cuộc đua.