Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, nguyên nhân do các chính sách điều tiết vĩ mô như kiểm soát tín dụng bất động sản và trái phiếu,... Theo đó, nhiều nhà đầu tư không đủ sức gồng buộc phải giảm giá để thoát hàng. Tuy nhiên, éo le thay, dù nhà đầu tư nóng lòng giảm giá bán nhưng môi giới lại rao bán chênh để kiếm lợi. Giá chênh so với giá chủ đất đưa ra được bao nhiêu môi giới càng thu về nhiều bấy nhiêu. Điều này khiến nhà đầu tư lâm thế khó lại càng khó.
Anh Nguyễn Tuấn Thành, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, giữa năm 2021, lãi suất vay ngân hàng xuống thấp. Có trong tay 1,5 tỷ đồng, anh Thành tự tin vay thêm để đầu tư căn hộ chung cư.
“Căn hộ tôi mua có diện tích 68m2, 2 phòng ngủ, với giá hơn 3 tỷ đồng, trong đó, số tiền thiếu tôi vay ngân hàng. Thời gian đầu được hưởng ưu đãi lãi suất nên số tiền phải trả không quá lớn”, anh Thành nói.
Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao. Cùng đó, ưu đãi lãi suất khoản vay của anh Thành đến nay cũng đã hết và thả nổi theo thị trường. Theo đó, để không gặp áp lực tài chính, anh Thành đã gửi môi giới bán căn chung cư này đi để lấy tiền trả nợ.
“Tôi cũng chỉ cần thu được tiền gốc về, nhưng rao bán suốt một tháng, không thấy môi giới phản hồi lại. Sau đó, tôi thấy môi giới đăng bán với mức giá 3,3 tỷ đồng. Trong khi đó, tôi đã chấp nhận trả phí hoa hồng cao hơn bình thường để môi giới tìm khách nhanh giúp. Đến nay, căn chung cư của tôi vẫn chưa tìm đc chủ mới”, anh Thành nói.
Tương tự, anh Quang Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, tháng 9 vừa qua, anh có gửi môi giới bán giúp một căn nhà trong ngõ rộng 2,5m, diện tích 40m2, được xây dựng 5 tầng với mức giá, 3,5 tỷ đồng.
“Thực ra, trước đó tôi muốn bán với giá 3,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì cần tiền gấp nên đã giảm giá bán 200 triệu đồng. Sau đó, tôi phát hiện môi giới rao bán căn nhà của tôi với giá tận 3,8 tỷ đồng. Theo đó, tôi cũng không cho người môi giới đó tiếp tục bán, mới đây tôi đã gửi bán ở một văn phòng môi giới khác trên địa bàn”, anh Hà nói.
Theo anh Vũ Thanh Tùng, chủ một sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội, chuyện môi giới bán chênh không hiếm trên thị trường bất động sản. Nguyên nhân bởi hiện nay môi giới thường thoả thuận với khách giá thu về, ăn chênh lệch giữa giá bán cho khách và giá thu về thay vì ăn hoa hồng trên mỗi sản phẩm như trước kia.
Tuy nhiên, theo anh Tùng nếu như trước kia trong lúc thị trường sôi động có thể dễ bán, còn thời điểm này giảm giá bán cũng khó.
“Việc mua bán dễ dàng đa phần vẫn phải qua môi giới vì họ có tệp khách hàng rộng. Tuy nhiên, môi giới bán chênh trong thời điểm này không khác gì kéo thêm người mua vào thế khó. Người muốn bán thì không bán được, còn môi giới thì vẫn không có giao dịch, đồng nghĩa không lấy được tiền hoa hồng”, anh Tùng nói.
Theo anh Tùng, thực tế, những bất động sản phục vụ nhu cầu thực vẫn có giao dịch, khác với phân khúc đất nền. Nhưng giá đã cao nhiều người cũng không đủ sức mua. Theo đó, môi giới bán chênh lại càng trở nên khó có thanh khoản. Hiện nay, giá nhà cũng đang ở mức chững lại, không như cách đây vài tháng.
Ở góc nhìn của chuyên gia, TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, thị trường bất động sản hiện đang xuất hiện tình trạng một số khu vực nhà đầu tư chấp nhận giảm giá lên tới 20% nhưng vẫn không bán được. Hay nói cách khác là tình trạng đóng băng mà nhiều người vẫn không hiểu vì sao.
Ông Hiện cho rằng, có một thực trạng là nhiều người gửi cò đất bán nhưng cò vẫn giữ ở một mức giá nào đó trên thị trường cao hơn giá mà người bán đưa ra, do đó mới khó bán. Song, theo phân tích của vị này, không phải sản phẩm nào giảm giá cũng hấp dẫn người mua.
Theo vị chuyên gia, việc giảm giá hay không giảm giá là tùy theo góc nhìn của mỗi người nhưng hiện tại muốn bán cũng khó.