Mở rộng Thành phố phía Đông ra Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai) có khả thi?

Câu chuyện về thành lập “Thành phố phía Đông” dường như chưa hết nóng khi mới đây có một số ý kiến cho rằng, nên mở rộng Thành phố phía Đông của Tp.HCM một phần sang huyện Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai) để tăng nội lực, có dư địa phát triển về kinh tế - xã hội, trong đó có thị trường BĐS.

Nên hay không nên?, ở góc độ thị trường BĐS đang là câu chuyện được giới đầu tư địa ốc quan tâm. Và cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề mở rộng này.

Suốt thời gian qua, thông tin thành lập “Thành phố phía Đông” với việc sáp nhập 3 quận của TP là Q.2, Q.9, và Q.Thủ Đức đã khiến thị trường BĐS khu Đông Sài Gòn có dấu hiệu sôi động trở lại. Theo nhiều chuyên gia, việc thành lập thành phố phía Đông của Tp.HCM sẽ trở thành động lực mạnh, thúc đẩy tăng trưởng cho cả thị trường BĐS Tp.HCM nói chung và thành phố mới nói riêng.

Bên cạnh câu chuyện đề xuất bổ sung việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức để hình thành đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc Tp.HCM (tạm gọi là Thành phố khu Đông). Thì có một số ý kiến từ lãnh đạo Hiệp hội cho rằng nên sáp nhập cả huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai) vào “Thành phố phía Đông” để tăng dư địa phát triển.

Trả lời trên báo chí mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, nên mở rộng TP phía đông của TP.HCM một phần sang huyện Long Thành và Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai để có dư địa phát triển. Không những thế, sân bay Long Thành cũng nên sáp nhập vào TP phía đông này bởi một sân bay tầm quốc tế không thể để một tỉnh quản lý. TP nên xin cơ chế sáp nhập một phần huyện Long Thành và toàn huyện Nhơn Trạch vào “Thành phố phía Đông”.

Mở rộng Thành phố phía Đông ra Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai) có khả thi? - Ảnh 1.

Khu Đông đang có nhiều lợi thế phát triển do vị trí giao thông kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm, hạ tầng giao thông đang phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện với trục đường cao tốc và tuyến Metro số 1 sắp đi vào hoạt động

Xung quanh câu chuyện này có nhiều ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Thái Huy, chuyên gia BĐS cá nhân cho rằng, việc sáp nhập 2 huyện này vào “Thành phố phía Đông” là hợp lý. Bởi trước hết giải quyết vấn đề giãn cư, chia sẻ áp lực lên Tp.HCM đã quá chật chội về quỹ đất. Dựa trên cơ sở hạ tầng sẵn có bao gồm: Giao thông, tài nguyên đất, dân cư, kinh tế, dịch vụ và công nghiệp thì đây là đề xuất khả thi, đóng góp rất lớn đến việc hình thành đại đô thị kiểu mẫu về kiến trúc cảnh quan, môi trường sinh thái, giao thông và kinh tế.

Đặc biệt, với điểm nhấn trung tâm là sân bay quốc tế Long Thành thì sự hình thành các khu vực phụ cận và phụ trợ hàng không sẽ thu hút nguồn đầu tư khổng lồ. Từ đó tạo nên thế 5 chân vững chãi và liên kết khép kín: Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tp.Khu Đông và Bà Rịa Vũng Tàu. Theo ông Huy, đây cũng là nơi đầu tiên cung cấp tất cả mô hình kinh tế, kinh doanh, sản xuất, vận chuyển đều thông hành quốc tế.

Còn đại diện một NĐT lâu năm tại khu Đông Tp.HCM, nếu như thành hiện thực thì “Thành phố phía Đông” sẽ trở thành một khu trung tâm mới, đô thị mới đúng nghĩa và nâng tầm giá trị hơn rất nhiều. Nhơn Trạch và Long Thành nếu được sáp nhập về Tp.HCM sẽ trở thành một khu đô thị sân bay, không những giúp Tp.HCM giải quyết dc vấn đề giãn dân mà còn giúp TP có thêm quỹ đất rất lớn để phát triển BĐS trong dài hạn. Bên cạnh đó, khu vực hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch theo Quy hoạch đang tập trung khá nhiều cảng biển là một lợi thế để phát triển logistic của vùng, tạo đà phát triển kinh tế.

Ở góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, việc thành lập “Thành phố phía Đông” là chủ trương đi cùng với định hướng chiến lược phát triển dài hạn của thành phố. Khu Đông đang có nhiều lợi thế phát triển do vị trí giao thông kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm, hạ tầng giao thông đang phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện với trục đường cao tốc và tuyến Metro số 1 sắp đi vào hoạt động. Nơi đây hội tụ đủ các yếu tố để hình thành nên 1 trung tâm mới về kinh tế, giáo dục, công nghệ, thương mại và dịch vụ, vui chơi giải trí....

Việc sáp nhập 3 quận khu Đông sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc phân bổ nguồn lực hợp lý, quy hoạch đồng bộ, thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực này trong tương lai với mô hình khu đô thị sáng tạo đi tiên phong trong các lĩnh vực phát triển của thành phố.

Theo bà Hương, việc thống nhất 3 quận thành lập thành phố khu Đông với các cơ chế phát triển đặc thù, riêng biệt sẽ là động lực phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn và là cơ hội rất lớn về công ăn việc làm, về nhu cầu nhà ở cũng như thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Mở rộng Thành phố phía Đông ra Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai) có khả thi? - Ảnh 2.

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước luôn nhìn vào các cơ hội đầu tư trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Việc thành lập Thành phố khu Đông theo định vị khu đô thị sáng tạo và là trung tâm phát triển kinh tế mới của thành phố sẽ là đòn bẩy thu hút nguồn lực đầu tư và tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho khu vực này trong thời gian sắp tới. Việc triển khai nên cần tiến hành sớm nhằm nắm bắt cơ hội phát triển tăng tốc của thị trường BĐS sau khi đại dịch bệnh đã qua đi.

Tuy nhiên, việc sát nhập Long Thành và Nhơn Trạch vào “Thành phố phía Đông” chưa nên bàn ở giai đoạn này. Mà nên tập trung nguồn lực cho việc sát nhập 3 quận trước. Nếu làm tốt và tạo được đòn bẩy phát triển tốt hãy nghĩ đến giai đoạn mở rộng ra khu vực lân cận.

Bà Hương nêu một số yếu tố chưa phù hợp trong giai đoạn này.

Thứ nhất, Long Thành và Nhơn Trạch trực thuộc Đồng Nai nên sẽ có rào cản trong thủ tục hành chính về mặt sáp nhập.

Thứ hai, sự tương đồng về mặt quy mô và các yếu tố nền tảng còn nhiều vấn đề phải xem xét trong quá trình sáp nhập.

Thứ ba, rào cản về mặt địa lý (cách sông) và hạ tầng giao thông kết nối chưa đầy đủ, mặc dù đã có cao tốc Long Thành - Dầu Giây - Tp.HCM.

Thứ tư, xác định vai trò như thế nào trong tổng thể chiến lược khu Đông để xem xét về sự cần thiết hay không trong gia đoạn này.