Mở đường cao tốc để ĐBSCL bứt phá

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định từ không có tiền đến có đủ tiền, từ những cánh đồng lúa bát ngát đến các tuyến cao tốc hiện đại đã định hình rõ nét.

Ngày 16-10, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL". Hội nghị có sự tham dự của nhiều bộ, ngành, lãnh đạo TP HCM và các địa phương khu vực ĐBSCL.

Nỗ lực giải quyết nguồn vật liệu

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm, cho biết khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỉ đồng. Trong đó, 8 dự án đang tổ chức thi công, 1 dự án đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.

Trong tổng số 8 dự án đang triển khai, có 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, trong đó có 4 dự án đường bộ cao tốc và 2 dự án cầu, đường bộ.

Bốn dự án đường cao tốc có tổng chiều dài 207 km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000 km gồm: 2 dự án thành phần (DATP) đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ; dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; dự án thành phần 1 Cao Lãnh - An Hữu. Còn 2 dự án cầu, đường bộ là dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (đường Hồ Chí Minh) và dự án cầu Rạch Miễu 2.

Đối với 2 dự án đang triển khai còn lại, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; DATP 2 Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Tiền Giang) và dự án cầu Đại Ngãi hoàn thành năm 2027.

Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị xác định công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các dự án đường cao tốc đang triển khai đạt trên 99%, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công, song vẫn chưa hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng là vào tháng 9-2024. Hầu hết các dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4% - 15%, do nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho hay một trong những vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là phải bảo đảm nguồn vật liệu (cát đắp, cấp phối đá dăm). Thủ tướng đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương về nguồn cát và chỉ đạo hoàn thành thủ tục để khai thác các mỏ vào cuối tháng 8-2024. Các địa phương cũng đã xác định được nguồn cát sông 72,3 triệu m3/nhu cầu 65 triệu m3. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện các thủ tục còn kéo dài và công suất khai thác các mỏ còn hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu thi công.

Các địa phương đang nỗ lực khắc phục vướng mắc này. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho hay tỉnh sẽ phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đánh giá lại các mỏ không đạt chất lượng và giới thiệu những mỏ khác để cung ứng. Còn theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, tổng nhu cầu cát còn thiếu cho dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, DATP 2 đoạn qua địa bàn Cần Thơ khoảng 2,78 triệu m3. Để các dự án thi công đúng tiến độ, UBND TP Cần Thơ đề nghị tỉnh An Giang, Tiền Giang sớm hỗ trợ thêm nguồn cát.

Mở đường cao tốc để ĐBSCL bứt phá

Dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đang hình thành

Biến không thể thành có thể

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói đây là lần thứ 6, Thủ tướng làm việc với các tỉnh ĐBSCL để đôn đốc thực hiện các dự án. Điều này cho thấy sự quan tâm của Thủ tướng, Chính phủ về phát triển hạ tầng giao thông chiến lược cho vùng.

"Sau 3 năm từ khi bắt đầu nghiên cứu, triển khai các dự án cao tốc vùng ĐBSCL, chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc họp. Chính phủ ban hành nhiều văn bản đề xuất với Quốc hội, thậm chí là Bộ Chính trị, đã biến không thể thành có thể, biến khó thành dễ. Từ chỉ có trong ý tưởng đến có các dự án cụ thể, hiện thực, nhiều đoạn tuyến, cây cầu đã hoàn thành. Từ không có tiền đến có đủ tiền, từ những cánh đồng lúa bát ngát đến các tuyến cao tốc hiện đại định hình rõ nét, mang lại triển vọng phát triển to lớn cho vùng ĐBSCL" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho hay, theo quy hoạch, khu vực ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.188 km. Trước nhiệm kỳ này, toàn vùng chỉ có 39 km đường cao tốc, không có dự án nào được chuẩn bị đầu tư xây dựng. Đến nay, toàn vùng có 120 km đường bộ cao tốc đã được đưa vào khai thác; 428 km đang triển khai và 215 km đang nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư. Phấn đấu đến năm 2025, ĐBSCL sẽ có khoảng 548 km đường bộ cao tốc, đến năm 2030 là 763 km.

Thủ tướng lưu ý khối lượng công việc trong thời gian tới của từng dự án là rất lớn, trong khi thời gian không còn dài, quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi những vướng mắc mới phát sinh. Vì thế, các cấp, ngành, địa phương phải hết sức khẩn trương, chủ động, linh hoạt, sáng tạo vận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách để tiếp tục rút ngắn thời gian, bảo đảm chất lượng các dự án.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo, phát huy hơn nữa những bài học kinh nghiệm nêu trên trong triển khai các dự án. Trong đó, phải có giải pháp bù lại tiến độ đã chậm và đặc biệt chú trọng giải quyết dứt điểm 3 vấn đề còn vướng mắc: giải phóng mặt bằng, di dời đường điện cao thế, cung ứng vật liệu.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công đẩy nhanh tiến độ các dự án. UBND các địa phương trong khu vực dự án tập trung hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 10-2024, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án. 

Dành nhiều gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp

Chiều 16-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri Cần Thơ là cán bộ, hội viên hội nông dân, chủ doanh nghiệp, HTX kinh doanh nông sản.

Trả lời ý kiến cử tri, Thủ tướng cho rằng vấn đề của ĐBSCL không chỉ là sạt lở mà cả sụt lún, khô hạn và ngập úng. Năm 2023, Nhà nước đã đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng để chống, khắc phục sạt lở và đang tiếp tục sắp xếp, dành nguồn lực cho nhiệm vụ này. Đối với đề nghị của cử tri về tài chính, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước dành nhiều gói tín dụng, ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp, trong đó có tín dụng cho nông nghiệp; yêu cầu các ngân hàng thúc đẩy triển khai để gói tín dụng tới tận tay người dân.

Thủ tướng nhất trí với ý kiến của cử tri về việc cần sớm triển khai xây dựng Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ để phục vụ phát triển cả vùng. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xúc tiến nhiệm vụ này.

C.Linh

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Đừng khởi động rồi loay hoay đi tìm mỏ cát

Đề nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một lúc đi khảo sát tất cả mỏ cát ở ĐBSCL. Việc này không chỉ phục vụ trong ngắn hạn cho các công trình đường cao tốc, mà còn hàng loạt công trình ở các địa phương.

Khảo sát để thấy cát còn được bao nhiêu và sử dụng được bao nhiêu. Để sau này đấu thầu, nhà thầu biết mỏ cát nằm ở đâu, cự ly như thế nào. Đừng để đến lúc khởi động dự án rồi thi công lại loay hoay đi tìm mỏ, mỏ này không được tới mỏ khác. Làm như vậy sẽ rất vất vả xử lý nguồn vật liệu, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang:

Chủ động trong giải phóng mặt bằng

Bên cạnh nguồn vật liệu, các dự án gặp vướng mắc ở khâu GPMB và thời gian qua, tỉnh Hậu Giang nỗ lực giải quyết vướng mắc này.

Xác định dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn Hậu Giang nên tỉnh chủ động giải quyết khâu GPMB và đến nay không còn vướng mắc gì. Kinh nghiệm là trong quá trình triển khai thi công nếu có phát sinh vấn đề thì chủ đầu tư và địa phương phối hợp xử lý.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang:

Kịp thời điều phối

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng, Tiền Giang sẽ cung cấp 15,9 triệu m3 cát cho 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia tại khu vực phía Nam. Đến nay, UBND tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành và các chủ đầu tư rà soát, đánh giá, thực hiện các thủ tục để cấp phép khai thác cát. Hiện tỉnh đã cơ bản thực hiện xong.

Mặc dù trữ lượng cát tại các mỏ sụt giảm khoảng 2,1 triệu m3 so với quy hoạch ban đầu nhưng tỉnh Tiền Giang chủ động điều phối các mỏ khác để bảo đảm cung ứng đủ 15,9 triệu m3 cát cho các dự án.