Khảo sát cho thấy, khá nhiều cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ thuê mặt bằng tại khu vực trung tâm đã "một đi không trở lại" sau thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.
Tại các tuyến đường thuộc Q.3, Q.1, Tp.HCM bên cạnh các mặt bằng đã trở lại hoạt động bình thường thì hiện một số mặt bằng vẫn cửa đóng im lìm. Trong đó, có một số cửa hàng mở lại sau giãn cách xã hội được vài tuần thì chấp nhận đóng cửa luôn, trả mặt bằng.
Theo tìm hiểu, các cửa hàng không thể trụ nổi sau dịch đa số rơi vào các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, quán café, phòng tập gym…có mức giá thuê hàng tháng khá cao trong khi lượng khách quay trở lại sau dịch chưa ổn định. Cùng với khoảng thời gian trước đó đóng cửa vì dịch vẫn gánh gồng tiền thuê mặt bằng nên đã không trụ nổi.
Tại tuyến đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, nhiều bảng biển cho thuê nhà vẫn còn đó khi chủ mặt bằng chưa tìm được chủ nhân sau thời điểm dịch được kiểm soát. Ngược lại, một số mặt bằng chào khách thuê trong tháng 3,4 đã có người vào thuê. Hầu hết các khách thuê sau thời điểm dịch đã được chủ nhà giảm giá dao động khoảng 10-25% (tùy mặt bằng) so với thời điểm chưa dịch.
Theo một chủ mặt bằng tại khu vực này, nếu không chia sẻ về giá thuê thì rất khó tìm được khách thuê lúc này. Nếu mặt bằng để trống kéo dài thì còn khốn khổ hơn là hạ giá thuê. Vì thế, phải tùy vào tình hình thị trường để hỗ trợ khách thuê theo từng thời điểm này. Nếu dịch hết hoàn toàn, hoạt động kinh doanh trở lại như trước đây thì giá cho thuê mặt bằng phải khác.
Trong khi đó, tại khu đô thị sầm uất Phú Mỹ Hưng, đây là khu vực trước đó luôn đạt công suất cho thuê cao thì nay cũng đang gánh chịu những tác động của dịch Covid-19. Bên cạnh căn hộ hay shophouse khối đế thì các căn nhà phố trên đường Hà Huy Tập trước Tết giá thuê là 3.200USD, nhưng nay chủ nhà có thể giảm xuống 2.500USD hoặc thậm chí dưới 2.200USD nhưng vẫn chưa có khách thuê.
Tương tự, các tuyến đường chính của khu đô thị Phú Mỹ Hưng như Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Trà, Phạm Thái Bường, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Linh …. Nhiều mặt bằng cho thuê còn bỏ trống sau thời điểm dịch được kiểm soát.
Không riêng gì khu vực trung tâm, tại khu ven Tp.HCM như Q.9, Q.2, Q.Thủ Đức… nhiều mặt bằng kinh doanh cũng chưa trở lại trạng thái bình thường ban đầu. Bên cạnh các mặt bằng trả lại thời điểm dịch bùng phát chưa có khách thuê lại thì trong khoảng tháng 4, tháng 5 một số mặt bằng cũng trả lại chủ nhà do kinh doanh không hiệu quả. Đa số những mặt bằng trụ lại được ở phân khúc này thường kinh doanh lâu năm, quy mô đã lớn, lượng khách hàng ít biến động sau dịch.
Ở loại hình mặt bằng TTTM cho, tình hình cũng chưa mấy cải thiện so với thời điểm dịch bùng phát. Mặc dù các hoạt động đã quay trở lại nhưng lượng khách chưa ổn định đã khiến nhiều mảng kinh doanh gặp khó khăn. Theo Savills Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 vẫn đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của cuộc sống, trong phân khúc bán lẻ, hầu hết các TTTM và cả siêu thị bán lẻ đều có chính sách hỗ trợ khách thuê với việc giảm giá mặt bằng thuê từ 30% đến 100% để giữ chân khách thuê.
Nhiều cửa hàng tại TTTM cũng chưa trở lại trạng thái ban đầu. Ảnh: Hạ Vy
Nếu Covid -19 kéo dài lâu hơn trên phạm vi toàn thế giới, giả sử là 3 tháng nữa thì khả năng cao nhiều thương hiệu sẽ rơi vào tình trạng phá sản, dẫn tới việc bỏ mặt bằng kinh doanh, và các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ có thể phải đối mặt với việc phá sản nếu khả năng tài chính của công ty không vững vàng. Trừ một số ngành có thể tận dụng phát triển ở đại dịch này như các ngành về Chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp, Sản phẩm thiết yếu, dịch vụ giao hàng siêu thị, mặt hàng ăn uống bình dân…số còn lại đang vật lộn căng thẳng để tiếp tục tồn tại.
Câu hỏi nên đặt ra là bao lâu và chiến lược của các công ty/tập đoàn/nhà bán lẻ như thế nào để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Tiến Sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam cho rằng, chiến lược kinh doanh là yếu tố then chốt dẫn đến thành công của các nhà phát triển trung tâm thương mại. Đó sẽ là những kế hoạch kinh doanh, định vị thương hiệu, định vị khách thuê, hay áp dụng các công cụ tiếp thị hỗn hợp (Marketing Mix), đa dạng hóa sản phẩm…Bên cạnh đó là việc kết hợp và tăng cường mua bán online để đảm bảo được doanh thu và chi phí hoạt động của các doanh nghiệp đó tại thị trường Việt Nam.
Cũng theo đại diện đơn vị nghiên cứu này, Nhìn tổng quan từ thị trường bán lẻ nói chung, với dân số trên 100 triệu dân và tỉ lệ dân số sống ở thành thị, và tỉ lệ dân số trẻ với mức thu nhập trung bình ngày một tăng cao, thì Việt Nam được coi là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư các trung tâm thương mại. Trước những tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, và trong mọi ngóc ngách của cuộc sống thường nhật, ngành công nghiệp bán lẻ đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, đặc biệt là với các siêu thị hay các trung tâm thương mại.
Trong thời gian gần đây, thị trường chứng kiến sự ra đi hay đóng cửa các chi nhánh của nhiều ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ, như Auchan, Parkson, Big C…Sự thất bại này có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau.
Có thể kể đến ở đây là sự thay đổi thị hiếu của người mua, sự cạnh tranh thị trường khi rất nhiều trung tâm mua sắm đã được xây dựng thành công với mô hình mới, hợp thời, bắt kịp xu thế cùng với các khách thuê/thương hiệu hấp dẫn... Ngoài ra, có thể tính đến sự cứng nhắc trong chiến lược phát triển đã khiến các nhà đầu tư và vận hành các trung tâm mua sắm thương mại bị đứng lại phía sau, giảm lợi thế cạnh tranh của họ với các đối thủ khác.