Theo số liệu của Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội nửa đầu 2023, nguồn cung bán lẻ đạt 1.7 triệu m2, tăng 1% theo quý và 2% theo năm. Nguồn cung bán lẻ đã tăng trưởng trung bình 3%/năm trong 5 năm vừa qua. Trong đó, trung tâm thương mại tiếp tục duy trì tỷ trọng nguồn cung lớn nhất với 962.400 m2, chiếm 56% tổng nguồn cung. Từ năm 2019, nguồn cung các trung tâm bách hóa tăng trưởng lớn nhất, ở mức 10%/năm. Theo sau đó là khối đế thương mại với mức tăng 8%/năm và trung tâm thương mại với 2%/năm.
Công suất thuê trung bình của cả thị trường theo ghi nhận của Savills giảm 4 điểm % theo quý và 2 điểm % theo năm, xuống 87%. Tuy nhiên bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết công suất thuê hiện nay phụ thuộc lớn vào việc liệu thiết kế của trung tâm thương mại hay khối đế bán lẻ có thể đáp ứng được nhu cầu ngày một khắt khe từ các nhãn hàng hay không.
Theo bà Minh, trong nửa đầu năm 2023, thị trường bán lẻ Hà Nội ghi nhận hai hình thái phát triển rõ nét. Các trung tâm thương mại có mặt bằng tốt, chủ đầu tư chuyên nghiệp và đáp ứng tiêu chuẩn phê duyệt phòng cháy chữa cháy thu hút lượng khách thuê tốt, với giá thuê thậm chí cao hơn thời điểm cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, các dự án có mô hình bài bản và thiết kế hợp lý vẫn có thể thu hút các nhãn hàng. Đơn cử như các trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng, thiết kế nội thất, kỹ thuật đạt chuẩn như AEON Mall, Lotte Mall, The Loop by Takashimaya tại Indochina Plaza đều đạt tỷ lệ lấp đầy khá tốt.
Trong khi đó, tồn tại một tỷ lệ nhất định các mặt bằng khối đế và nhà phố không đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng về tiêu chuẩn thiết kế và công năng sử dụng. Thêm vào đó, việc các nhãn hàng sau Covid đều hạn chế việc mở tràn lan các mặt bằng và chỉ tập trung vào một cửa hàng flagship nên hệ thống những mặt bằng không đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ bị loại khỏi danh sách cân nhắc rất nhanh.
Góp phần vào sự thay đổi bức tranh bán lẻ tại Hà Nội phải nhắc tới việc các trung tâm thương mại có quy mô lớn đang chuyển dịch dần ra vùng ngoại ô. Các yếu tố giải trí độc đáo phần nào tạo nên yếu tố cạnh tranh cho phân khúc này. AEON Mall Hà Đông và Long Biên đã tổ chức những sự kiện đặc biệt, tạo điểm nhấn nhằm thu hút khách hàng như Eco Event 2023 và Dreamkids Got Talent. Trong khi đó, Vincom Ocean Park cũng tạo ra một tổ hợp vui chơi giải trí lớn bao gồm biển hồ nước mặn và chợ đêm.
Sự thay đổi trong cơ cấu chi tiêu cũng phần nào ảnh hưởng tới ngành bán lẻ. Theo Báo cáo hành vi người tiêu dùng Việt Nam 2023 của McKinsey Company, người tiêu dùng Việt Nam, mặc dù lạc quan nhất thế giới, vẫn giữ thái độ thận trọng và đang dần thay đổi hành vi tiêu dùng của mình. Họ có xu hướng giảm thiểu chi tiêu trên hầu hết các ngành hàng, trừ các ngành hàng cốt lõi như tạp hóa, xăng dầu, ngành hàng sức khỏe cá nhân, cũng như các ngành hàng mang tính trải nghiệm cao và chất lượng tiên tiến.
Theo Savills, sự dịch chuyển từ chi tiêu cho sở thích cá nhân về những chi tiêu cơ bản phần nào làm giảm triển vọng ngành bán lẻ. Trong đó các phân khúc thời trang, mỹ phẩm, giải trí và thể hình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Những yếu tố bất lợi của nền kinh tế thế giới khiến người tiêu dùng phải suy nghĩ lại về mục tiêu tài chính và tối ưu hóa chi tiêu cho những mặt hàng thiết thực hơn.
Ngược lại, điều này giúp các chuỗi siêu thị hưởng lợi khi người tiêu dùng gia tăng chi tiêu đáng kể cho các sản phẩm gia dụng, chăm sóc cá nhân và thực phẩm. Các chuỗi siêu thị như AEON Mall (36%), Winmart (27%) và Go! (19%) vẫn đang duy trì vị trí dẫn đầu thị phần đối với loại hình này. Các chuỗi bán lẻ lớn đang theo đuổi các chiến lược mở rộng nhằm đảm bảo vị thế trên thị trường và xây dựng nhận diện thương hiệu. Bên cạnh đó, ngành giáo dục và chăm sóc sức khỏe vẫn duy trì hoạt động ổn định trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chưa đạt mức kỳ vọng.
Từ nay đến cuối năm, Bà Minh cho rằng, để duy trì hoạt động cũng như tiếp tục thúc đẩy động lực phục hồi trong ngành bán lẻ, các nhãn hàng sẽ cần thận trọng hơn và lên kế hoạch chi tiết trong giai đoạn sắp tới.
Đầu tiên, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn kể từ dịch Covid-19, các nhà bán lẻ sẽ cần thay đổi và thích nghi để phát triển trong bối cảnh hậu đại dịch. Theo đó, mua sắm trực tuyến đã và đang là lựa chọn mới của khách hàng trên nhiều phân khúc hàng hóa. Các cửa hàng trực tuyến sẽ là nguồn thu hút khách hàng tiềm năng, nơi nhãn hàng chạm đến công chúng và mở rộng nhận diện thương hiệu của mình. Trong khi đó, những cửa hàng truyền thống cần được nhãn hàng nhìn nhận là nơi mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ, những tụ điểm vui chơi, giải trí và các trải nghiệm thực mà hình thức thương mại điện tử không thể đem lại. Những gian hàng tại các trung tâm thương mại, khối đế bán lẻ sẽ được chú ý hơn cả do ở vị trí dễ tiếp cận với các khu dân cư và khu phức hợp giải trí.
Bên cạnh đó, các cửa hàng khi thuê mặt bằng sẽ cần tập trung đầu tư tối ưu hóa thiết kế và khả năng hoạt động để đáp ứng nhu cầu khách hàng và cung cấp dịch vụ tốt nhất. Các nhãn hàng đang quan tâm nhiều hơn đến vị trí và điều kiện khi thuê của mặt bằng, nhằm dễ thu hút khách hàng và gia tăng trải nghiệm người dùng. Các đơn vị cung cấp bất động sản bán lẻ cũng cần chú ý đến những chi tiết về thiết kế, cấu trúc như chiều cao trần, đường dây điện hay yêu cầu về pháp lý, an toàn phòng cháy chữa cháy khi phát triển dự án.
Đối với khối đế bán lẻ chưa đạt được hiệu quả kinh doanh, nhiều chủ đầu tư đã linh động trong việc chuyển đổi sang hình thức cho thuê văn phòng kết hợp với các đơn vị vận hành co-working để tăng thêm tiện ích cho khách hàng và cư dân. “Vô hình chung hỗ trợ việc cho thuê văn phòng và giúp thị trường có thêm lựa chọn nguồn cung với giá thuê dao động khoảng từ USD 15 – 20 tại các tòa nhà chất lượng cao”, Bà Minh nhận định.
Nhìn chung, đây sẽ là thời điểm các chủ đầu tư cần xem xét lại về chất lượng, thiết kế và pháp lý của dự án để đáp ứng nhu cầu khách thuê. Vì khi hệ thống bán lẻ được đầu tư và vận hành bài bản sẽ kéo khách hàng ra khỏi nhà và chi tiêu, mua sắm, từ đó tăng công suất hoạt động và lợi nhuận thu về cho cả chủ đầu tư và nhãn hàng.