Lượng nhà ở xã hội đưa ra thị trường thiếu so với nhu cầu thực tế

Nhận định trên được bà Văn Thị Bạch Tuyết - phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - đưa ra tại buổi giám sát việc thực hiện Luật nhà ở trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2021.

Sáng 9-8, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam TP.HCM; Ngân hàng Chính sách xã hội TP và Quỹ phát triển nhà ở TP nhằm giám sát việc thực hiện Luật nhà ở trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2021.

Quỹ phát triển nhà ở TP âm 143 tỉ đồng

Báo cáo tại buổi giám sát, ông Ngô Tấn Phát - đại diện Quỹ phát triển nhà ở TP - cho biết lũy kế từ khi thành lập đến ngày 17-5-2022, quỹ đã giải ngân cho 5.594 đối tượng có thu nhập thấp vay tiền để tạo lập nhà ở, với tổng số tiền 2.842 tỉ đồng.

Từ khi thành lập đến cuối năm 2021, tổng vốn điều lệ ngân sách cấp là hơn 1.600 tỉ đồng, số vốn điều lệ ngân sách cấp đã được quỹ sử dụng vào các mặt hoạt động là hơn 1.749 tỉ đồng. Như vậy, đến cuối năm 2021, vốn điều lệ ngân sách cấp cho Quỹ phát triển nhà ở TP còn thiếu là hơn 143 tỉ đồng.

Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, hiện quỹ này có hai dự án nhà ở xã hội triển khai. Trong đó, dự án nhà ở xã hội tại số 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân được triển khai năm 2011 gồm 6 block chung cư cao 15 tầng, với 718 căn hộ. Tổng mức đầu tư 608 tỉ đồng. Đến cuối năm 2019 dự án hoàn thành. Tuy nhiên đến nay, những người mua nhà tại dự án vẫn chưa được cấp sổ đỏ, xảy ra tình trạng khiếu nại, kiện cáo gây mất trật tự trên địa bàn.

"Do nguồn quỹ hạn chế, nên chúng tôi chưa kiến nghị với UBND TP chấp thuận tổ chức lại hoạt động cho vay với các dự án nhà ở và các hoạt động khác hỗ trợ người có thu nhập thấp có điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà. Bên cạnh đó, cũng chưa thể triển khai dự án nhà ở xã hội trên khu đất hơn 9.800m2 tại phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức", ông Phát giãi bày.

Trước báo cáo của đơn vị này, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng qua số liệu thấy rõ nhu cầu rất lớn nhưng thủ tục, việc tổ chức xây dựng cho người dân lại rất khiêm tốn.

"Trong tổng số hồ sơ về nhu cầu đăng ký liệu chúng ta có đánh giá được niềm tin của khách hàng khi đăng ký hay không? Hay chỉ thấy nhu cầu đăng ký tại đây và vừa đăng ký chỗ khác để khi ta triển khai họ đã không còn nhu cầu. Đồng thời chúng ta có quay trở lại để khảo sát tính hài lòng của người dân khi ở trong các khu nhà đó hay không?", bà Châu nói.

Đối với dự án nhà ở tại phường Hiệp Thành, quận 12, theo đại biểu Hà Phước Thắng, dự án thi công xong phần hạ tầng thì dừng lại. Đến tháng 12-2021 quyết định đấu thầu chọn nhà đầu tư để tiếp tục xây dựng. "Vậy đã có quyết định rồi thì ai là người triển khai, đã 8 tháng qua mà không triển khai thì hạ tầng sẽ xuống cấp, trách nhiệm của đơn vị thực hiện quyết định này?", ông Thắng nhấn mạnh.

Đại diện Quỹ phát triển nhà ở đã có những trao đổi phản hồi, qua đó có thể thấy khó khăn lớn nhất mà đơn vị này đang vướng phải là nguồn vốn để giải ngân.

Vướng mức vay giới hạn 500 triệu đồng

Cũng tại buổi giám sát, phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM Bùi Văn Sổn cho biết, tổng doanh số của chương trình cho vay nhà ở xã hội đạt hơn 146 tỉ đồng, với 305 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó cho vay xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đạt hơn 28 tỉ đồng, với 55 khách hàng; cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội đạt hơn 117 tỉ đồng, với 250 khách hàng.

Theo ông Sổn, hiện nay có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình triển khai cho vay của chương trình nhà ở xã hội tại ngân hàng. Trong đó mức vay lãi để xây mới, sửa chữa nhà ở tối đa là 500 triệu đồng gây nhiều khó khăn khi tâm lý người dân thế chấp quyền sử dụng đất để mong muốn vay vốn cao hơn, nên nhiều người thường vay các ngân hàng thương mại.

"Khi người ta vay phải thế chấp giấy tờ đất, mà vay được có 500 triệu thì nhiều người không muốn vay. Thế chấp mà vay có 500 triệu thì vay làm gì? Nên để đáp ứng nhu cầu sử dụng, họ thường tiếp cận vay từ các ngân hàng thương mại", ông Sổn nói.

Lượng nhà ở xã hội đưa ra thị trường thiếu so với nhu cầu thực tế - Ảnh 1.

Trưởng đoàn giám sát Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu kết luận buổi giám sát - Ảnh: T.H.

Về vấn đề này, trưởng đoàn giám sát Văn Thị Bạch Tuyết cũng nêu quan điểm rằng, mức vay 900 triệu của quỹ, cán bộ công chức, viên chức đã thấy khó khăn khi mua nhà, đối tượng người lao động chỉ được vay mức 500 triệu thì càng khó hơn. "Hiện nay 1 căn nhà ở TP cũng hơn 1 tỉ đồng, với mức vay thấp rất khó để người dân có thể tìm nguồn bù vào khoản đó", bà Tuyết chia sẻ.

Kết luận buổi làm việc, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP cho biết qua báo cáo từ các đơn vị cho thấy nhu cầu được có nhà ở của người có thu nhập thấp, cán bộ công chức rất nhiều, nhưng thực tế đặt ra nguồn cung cho nhóm đối tượng này có nhiều hạn chế.

"Số lượng nhà ở xã hội được đưa ra thị trường không nhiều so với nhu cầu thực tế. So với chỉ tiêu của TP, tổng dự án với số nhà trong tương lai chúng ta nhận định là đủ nhưng có những lý do phát sinh khiến chậm trễ, trong đó có còn gặp nhiều vướng mắc trong việc giải quyết nhà ở cho người dân", bà Tuyết nói.

Qua đó, trưởng đoàn giám sát cho hay sẽ ghi nhận các kiến nghị, tổng hợp chung và báo cáo với Quốc hội, Chính phủ. Riêng Quỹ phát triển nhà ở hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo rà soát lại các quỹ ngoài ngân sách nhà nước. Đoàn sẽ kiến nghị với TP sớm cấp quỹ bổ sung để đảm bảo các hoạt động.