Nguyễn Bích (33 tuổi) hiện đang là nhân viên truyền thông cho một doanh nghiệp, chưa lập gia đình. Năm 2020, Bích quyết định mua nhà trong đúng thời điểm dịch bệnh xuất hiện cùng bao nỗi lo. Nhưng đến hiện tại, cô không hề hối hận với quyết định của chính mình ở thời điểm đó.
Ra trường năm 2011, đỗ vào tập đoàn lớn trong nước, mức lương 8 triệu đồng/1 tháng của Bích đã khiến nhiều người ngưỡng mộ. 2 năm sau, lương của Bích đã được tăng tới 10 triệu đồng, thậm chí có thời điểm chạm mốc 15 triệu đồng/tháng nhờ nỗ lực thành tích trong làm việc. Chưa kể khoản tiền thưởng trung bình một năm khoảng 30 triệu đồng.
"Điều đến giờ khiến tôi vẫn hối hận nhất, đó là làm 5 năm nhưng tôi không có bất kỳ một khoản tiền tiết kiệm nào. Dù tôi ở một mình, không mất tiền thuê nhà, nhưng vẫn tiêu hết số tiền lương và thưởng mỗi năm", Bích nói.
Đến năm 2016, Bích chuyển việc. Lúc này, 8x mới nhận thấy vấn đề trong chi tiêu của chính mình bởi công việc mới đòi hỏi phải có các trang bị kỹ thuật mới như máy tính, máy ảnh… Phải đi vay mượn để mua sắm cộng với mức lương chuyển việc thấp bằng 2/3 so thu nhập cũ, Bích xác định phải sống tiết kiệm.
Tuy nhiên, Bích thừa nhận, dù đã nhận thêm việc làm bên ngoài nhưng mức lương chính thấp, đến cuối năm 2019, 8x mới tích luỹ khoản tiền 250 triệu đồng.
"Tôi chưa từng nghĩ đến việc mua nhà vì thấy việc đó quá sức với mình. Nghĩ mỗi tháng phải gồng lãi khiến tôi sợ. Hơn nữa, tôi chỉ có một mình, không có ai chia sẻ cùng. Nhưng rồi, tôi đã thay đổi quyết định khi một người bạn thuyết phục và phân tích. Bạn đã hỏi tôi rằng: "Chẳng nhẽ định sống mãi như vậy với hơn 10 năm đi làm chỉ có vài trăm triệu trong tay. Bao nhiêu tiền cũng đốt cho quần áo, mỹ phẩm. Phải có động lực lao động". Tôi bắt đầu suy nghĩ và dần bớt sợ, lên động lực để mua nhà", Bích cho biết thêm.
Đến đầu năm 2020, Bích được giới thiệu cho 1 số căn nhà giá rẻ nhưng 8x từ chốt mua. "Thời điểm đó dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, tôi rất sợ công việc của mình không ổn định, sẽ không thể chi trả khoản nợ mỗi tháng. Tôi phân vân mãi. Cho đến tháng 6/2020, người bạn của tôi giục: Không mua bây giờ thì mua bao giờ. Vì dịch nên giá nhà mới rẻ. Nên càng phải mua sớm. Nghe khá hợp lý nên tôi quyết định đi xem nhà. Tôi đi xem 3 căn nhà nhưng đều không ưng vì một căn thiết kế đẹp, giá tiền vừa phải song chưa có sổ đỏ; một căn giá quá đắt; một căn nhà đã bị xuống cấp. Đến căn thứ 4, tôi thấy ưng ngay với giá 1,1 tỷ đồng".
Chia sẻ về bài toán chuẩn bị tài chính mua nhà, Bích xác định sẽ vay ngân hàng và vay người thân. Số tiền tích luỹ tới tháng 6/2020 của Bích là 300 triệu đồng. Bích xác định vay ngân hàng 700 triệu đồng. Số tiền 100 triệu đồng còn lại cộng với chi phí chuyển nhượng, làm sổ đỏ sẽ vay bạn bè.
"Tôi lên danh sách những người có thể vay được. Trước đó, tôi đã hỏi dò về khả năng mà mọi người cho vay. Sau khi xác định mua nhà, tôi liên hệ lại và hẹn khoảng thời gian trả nợ. Ai là người cần trả nợ trước, ai cho vay lâu dài. Tổng số tiền tôi vay được 135 triệu. Có người tôi chỉ vay được 2 triệu, người 3 triệu, người 5 triệu và người nhiều nhất là 50 triệu. Trước đây, tôi nghĩ phải vay khoản lớn, "ra tấm ra món". Nhưng sau tôi cho rằng, vay khoản nhỏ lại dễ dàng. Ai cũng có thể cho bạn vay và còn vay được lâu dài. Những khoản nhỏ này cũng dễ dàng trả nợ", Bích cho hay.
Bích nhẩm tính, tiền chuyển nhượng, tiền làm sổ hồng hết gần 20 triệu đồng. Chi phí làm thủ tục ngân hàng dao động 5 triệu đồng. Số tiền dư còn lại, Bích chi trả trước cho khoản lãi vay ngân hàng vào tháng tới để phòng ngừa mức lương không đủ chi trả cho khoản vay.
Với 700 triệu đồng tiền vay ngân hàng, mỗi tháng Bích phải trả khoảng 6,5 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.
"Tôi vay luôn thời gian 20 năm để không áp lực về tiền nợ mỗi tháng. Sau 3 năm, mình hoàn toàn có thể trả hết mà không lo mất phí phạt. Như vậy, mỗi tháng tôi mất 6,5 triệu đồng cho gốc và lãi. Tôi cố gắng mỗi tháng phải dành ra 10 triệu đồng để trả nợ, bao gồm khoản vay bên ngoài", Bích nói.
Để tiết kiệm chi phí, Bích chuyển tới căn nhà chung cư đã mua, chỉ ở một phòng và cho thuê lại phòng còn lại. Số tiền cho thuê phòng 2 triệu/1 tháng hỗ trợ cho Bích khoản trả nợ.
Đến hiện tại, Bích cho biết, cô đã trả được các khoản nợ ngoài nhờ nỗ lực và làm việc chăm chỉ. "Tôi hạn chế tối đa mua quần áo, mỹ phẩm. Tôi chỉ tiêu 3 triệu tiền ăn mỗi tháng và nói không với các buổi tụ tập. Tôi không đi du lịch. Tôi nhận thêm nhiều việc để làm. Có lúc tôi làm 3 việc cùng 1 lúc, chấp nhận mức thu nhập thấp", Bích cho hay.
"Điều quan trọng nhất là giờ tôi tự tin vào chính mình. Đúng là phải có mục tiêu thì bạn mới có động lực vượt qua. Nếu không mua nhà, chắc giờ tôi cũng chỉ tiết kiệm được 400 triệu đồng", Bích cho biết thêm.
#/luong-15-trieu-va-day-la-cach-mua-nha-hon-1-ty-cua-co-gai-8x-doc-than-vay-moi-nguoi-mot-it-tien-20220312104848911.chn