Thị trường bất động sản hiện vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đây cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp "mạnh vì gạo bạo vì tiền" gia tăng quỹ đất, MA những dự án tiềm năng với mức giá tốt. Theo đánh giá của các chuyên gia, rất có thể sau giai đoạn khó khăn, thị trường bất động sản sẽ xuất hiện một lớp đại gia bất động sản mới.
Mới đây nhất, thông tin Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư đến 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng. Các dự án bao gồm: Cảng Bãi Gốc; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm; và Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm.
Trước đó, trong năm 2023, Tập đoàn này từng trúng thầu 2 dự án đô thị ở Hưng Yên và Phú Thọ có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Hòa Phát cũng "tham vọng" đề xuất đầu tư, tài trợ quy hoạch các dự án hàng trăm hecta ở các tỉnh khác như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hải Dương, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Phú Yên và Đắk Nông.
CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cũng gây bất ngờ khi tuyên bố lấn sân sang mảng bất động sản thông qua việc bổ sung ngành nghề "kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê" vào danh sách các ngành nghề kinh doanh của mình.
Trước đó, MPC đã công bố nghị quyết của HĐQT phê duyệt dự án nhà ở xã hội ở xã An Khánh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Theo công bố, đây là dự án nhà ở xã hội có quy mô hơn 17,6 ha được MPC đầu tư xây dựng với tổng vốn gần 633 tỷ đồng, trong đó gồm hơn 619 tỷ đồng chi phí thực hiện dự án, còn lại 13,5 tỷ đồng là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Ông lớn ngành thực phẩm là CTCP Tập đoàn TH cũng vừa đề xuất tỉnh Lâm Đồng đầu tư dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng. Theo quy hoạch, đây sẽ là dự án có tổng diện tích gần 4.000 ha, gồm một phần diện tích thuộc thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương và một phần thuộc phường 7, TP. Đà Lạt. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 30.313 tỷ đồng.
Hay vào cuối tháng 12/2023, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (MCK: HSG, sàn HoSE) cũng đã thông qua chủ trương góp 40% vốn thành lập CTCP Hoa Sen Sài Gòn - công ty bất động sản của Tập đoàn Hoa Sen. Sau khi thành lập, đơn vị này sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000 đến 3.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho Tập đoàn Hoa Sen; cho thuê; hoặc xem xét chuyển nhượng.
Không chỉ những doanh nghiệp tên tuổi nói trên, CTCP TCO Holdings (HoSE: TCO) - công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải cũng lên kế hoạch lấn sân vào thị trường bất động sản. Trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường từ hồi tháng 11/2023, TCO đã thông qua việc tái cấu trúc toàn diện, gồm việc đổi tên và chuyển hướng hoạt động. Qua đó, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển 3 lĩnh vực gồm: vận tải, logistics; nông nghiệp, thực phẩm và các ngành phụ trợ; đặc biệt là bất động sản và đầu tư.
Đối với lĩnh vực bất động sản và đầu tư, doanh nghiệp này định hướng mở rộng sang phát triển bất động sản công nghiệp và bất động sản nông nghiệp và thực hiện các thương vụ MA có tiềm năng. Ngay sau đó, cuối năm 2023, TCO đã quyết định thành lập Công ty Cổ phần TCO Real Estate có vốn điều lệ 98,72 tỷ đồng chuyên kinh doanh bất động sản.
Một công ty khác là CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC (HoSE: HVH) vào cuối tháng 11/2023, có thông báo sẽ góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư HVC và Hồ Gươm Hòa Bình. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, HVH đóng góp 105 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng.
Vicostone (VCS) - nhà sản xuất đá thạch anh, cuối năm 2023 cũng lấn sân địa ốc khi ra mắt dự án tổ hợp văn phòng, khách sạn và căn hộ cao cấp Endless Skyline Westlake tại Tây Hồ, Hà Nội. Dự án này có 27 tầng nổi và 4 tầng hầm, diện tích 3.626m2 và cung cấp 356 căn hộ ra thị trường, trong đó, có 150 căn hộ thương mại, 56 căn hộ cho thuê và 150 phòng khách sạn, căn hộ du lịch tiêu chuẩn 5 sao.
Được biết, Phenikaa (công ty mẹ của Vicostone với sở hữu gần 77% cổ phần) thâu tóm lại dự án Endless Skyline Westlake từ Công ty Song Kim vào năm 2020 khi thị trường bắt đầu rơi vào khó khăn bởi Covid-19.
Cuộc đua gom đất nóng lên nhờ sự đổ bộ từ các doanh nghiệp ngoài ngành thì thị trường cũng chứng kiến nhiều "tay ngang" không mấy suôn sẻ, một số đã phải từ bỏ ý định mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực này.
Chẳng hạn như Thủy sản Nam Việt (ANV) và Sữa Quốc tế (IDP) - 2 ông lớn ngành thuỷ sản và sữa đã phải quyết định từ bỏ kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực bất động sản để tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi chỉ sau khoảng 1 năm.
Cụ thể, đầu tháng 4/2023, Nam Việt (ANV) quyết định giải thể Công ty TNHH MTV Bất động sản Nam Việt do không còn nhu cầu hoạt động kinh doanh. Công ty này được thành lập vào ngày 9/3/2022, có địa chỉ tại số 19D Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang,
Tương tự, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (mã IDP) cũng phải thông qua việc giải thể công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư Green Light, đơn vị được thành lập với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Có thể thấy rằng, mở rộng ngành nghề kinh doanh mới luôn được xem là bước đi nhiều doanh nghiệp thực hiện để tạo thêm dư địa tăng trưởng. Đặc biệt, đối với bất động sản - ngành có tiềm năng tăng trưởng đột phá tại Việt Nam, bởi dân số đông, tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo - hấp dẫn nhiều doanh nghiệp "tay ngang" tham gia, nhất là những doanh nghiệp có sẵn quỹ đất rẻ, ở những vị trí đẹp.
Thực tế, trên sàn chứng khoán, nhiều doanh nghiệp cũng nhờ tận dụng quỹ đất sẵn có phát triển dự án nhà ở, hoặc văn phòng cho thuê mà tạo được nguồn thu lớn, tối đa hóa lợi ích cho cổ đông. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng lấn sân sang mảng này thành công. Các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, lên một kế hoạch kinh doanh bài bản và một chiến lược định hướng dài hạn thì mới thích nghi cũng như phát triển bền vững giữa bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều thách thức khó lường.