Nhằm giảm giải tỏa các nút thắt về trái phiếu, cân bằng tình hình tài chính tiến tới phát triển ổn định, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã mạnh tay tất toán các lô trái phiếu đang lưu hành.
Mới đây, ngày 23/5, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Mã: AGG) đã tất toán lô trái phiếu AGG12202 trị giá 300 tỷ đồng, qua đó đưa dư nợ trái phiếu về 0.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, đại diện AGG đã thông tin đến cổ đông là sẽ thanh toán hết nghĩa vụ nợ trái phiếu trong nửa đầu năm nay và dùng nguồn thu từ dự án Westgate để thực hiện nghĩa vụ này.
Được biết, công ty An Gia bắt đầu huy động trái phiếu từ năm 2020, có tài sản bảo đảm và mục đích đầu tư dự án, mở rộng quỹ đất. Hiện tại, công ty chưa có kế hoạch phát hành trái phiếu mới trong các đợt huy động vốn tiếp theo, thay vào đó là phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược với mục đích sử dụng vốn duy nhất là MA, phát triển dự án. Khi có quỹ đất phát triển dự án, An Gia mới khởi động quá trình huy động vốn.
Vào hồi cuối năm ngoái, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) cũng đã chi gần 459 tỷ đồng mua lại phần giá trị còn lại của 2 lô trái phiếu có mệnh giá 800 tỷ đồng, chính thức đưa dư nợ trái phiếu về 0. Cả năm 2023, Phát Đạt đã chi hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó gần 1.000 tỷ đồng mua lại trước hạn, thuộc 7 lô trái phiếu có tổng mệnh giá 2.225 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo Phát Đạt, thách thức lớn nhất của các công ty bất động sản trong năm 2023 là vấn đề trái phiếu. Do đó, công ty xác định nhiệm vụ ưu tiên là giải tỏa nút thắt này để đảm bảo sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và từng bước tất toán toàn bộ nợ trái phiếu, bao gồm cả việc bán tài sản.
Cũng trong năm 2023, một “ông lớn” bất động sản khác là CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín -TTC Land (Mã: SCR) đã tất toán lô trái phiếu trị giá 80 tỷ đồng cuối cùng để đưa nợ trái phiếu về 0. Được biết, trong 2 năm trở lại đây, TTC Land không mở rộng dự án hay quỹ đất nào.
Ngoài ra, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) cũng xóa nợ trái phiếu thành công bằng việc chi hơn 4.000 tỷ đồng để mua lại 3.900 tỷ đồng dư nợ gốc trái phiếu và trả lãi trái phiếu gần 162 tỷ đồng.
Ngoài các doanh nghiệp trên, tính đến tháng 12/2023, các doanh nghiệp bất động sản như Điền Phát Land, Vinh An Điền, Hoa Kim Anh, Minh Khang Điền, City Garden, Hong Lim Land, Downtown, Năm Bảy Bảy, C.E.O, Hà Đô Group… đã chi từ 157 tỷ đồng đến 770 tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn, đồng thời xóa hết nợ trái phiếu.
Theo Báo cáo mới nhất của FiinRatings về thị trường trái phiếu, tính đến ngày 2/5/2024, ước lượng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm đạt 257,17 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giá trị trái phiếu của nhóm ngành bất động sản đạt 100,26 nghìn tỷ, chiếm gần 39% tổng khối lượng đáo hạn và tương đương 2/3 số dư vào đầu tháng 12/2023.
Trong khi một số doanh nghiệp bất động sản mạnh tay chi tiền để tất toán trái phiếu, 2 "ông lớn" là Vingroup (Mã: VIC) và Vinhomes (Mã: VHM) lại lên kế hoạch phát hành hàng nghìn tỷ đồng từ kênh huy động vốn này.
Cụ thể, mới đây, Vingroup đã hoàn thành kế hoạch huy động vốn 8.000 tỷ đồng từ trái phiếu, thông qua 4 đợt phát hành (từ tháng 4/2024 đến 5/2024). Cả 4 lô trái phiếu (VICH2426001, VICH2426002, VICH2426003 và VICH2426004) đều có kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 12,5%/năm. Số tiền thu về từ đợt phát hành sẽ dùng để cơ cấu các khoản nợ của Vingroup.
Còn tại Vinhomes, cũng chưa đầy 2 tháng, doanh nghiệp này đã hoàn thành kế hoạch huy động vốn 10.000 tỷ đồng từ trái phiếu, thông qua 5 đợt phát hành. Trong đó, mã VHMB2427001 và VHMB2427002 có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 12%/năm. 3 lô còn lại là VHMB2426003, VHMB2426004 và VHMB2426005 thì có kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 12%/năm.