Tại TP.HCM có 3 bãi chôn lấp rác đã ngưng hoạt động là Đông Thạnh (HHóc Môn), Gò Cát (Bình Tân) và Phước Hiệp (Củ Chi). Trong đó, có 2 bãi chôn lấp được nhiều nhà đầu tư đề xuất “tái sinh” thành sân golf, công viên.
Mới đây, Sở Xây dựng TP. HCM đã kiến nghị xây thêm 6 công viên từ nguồn đất công có quy mô lớn. Trong đó có bãi rác Gò Cát (Q.Tân Bình) với quy mô 13 ha. Từ năm 2007, bãi rác này đã ngừng tiếp nhận rác sau nhiều năm chôn lấp.
Hiện phần lớn bãi rác đã được xử lý bề mặt, xung quanh được phủ kín bởi cây cỏ. Một số đoạn có tường bao ngăn cách với khu dân cư.
Ngoài bãi rác trên, tại quận Bình Tân đã có một khu trung chuyển rác được cải tạo thành công viên xanh lớn nhất quận. Trên hình là công viên trung tâm rộng gần 6 ha (phường Bình Hưng Hòa B) với mức đầu tư 19 tỷ đồng. Trong đó, điểm nhấn là hồ cảnh quanh ở trung tâm, với diện tích gần 6.500 m2.
Đây là hồ nước có sẵn và được cải tạo lại, xung quanh lắp hàng rào an toàn cao hơn một mét. Quanh hồ là lối đi lát gạch, rộng gần 2 mét, chia thành nhiều đường đi bộ khắp công viên.
Cũng tại bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh), một tập đoàn Hàn Quốc đã có thư ngỏ gửi lãnh đạo uỷ ban nhân dân với mục đích xúc tiến đầu tư sân golf. Theo đề xuất của nhà đầu tư, họ sẽ triển khai xây dựng sân golf với các tiêu chuẩn chuẩn quốc tế với diện tích 80 ha.
Được biết, bãi rác này đã dừng hoạt động từ năm 2002. Hiện, nơi đây đã được cải tạo và hình thành vườn sinh thái, khu nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, đất tại khu vực này được sử dụng để trồng hoa, cây cảnh và cây ăn trái. Trên hình là những nhà lưới dùng để canh tác rau sạch và cây ăn trái được đội ngũ công nhân chăm sóc mỗi ngày.
Ngoài ra, người dân sinh sống tại khu vực này cũng sử dụng đất để canh tác nông nghiệp. Những ruộng rau xanh đang được gieo trồng tại xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Điều này, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân tại khu vực.
Theo quan sát, mặt bằng bãi rác đã được làm sạch. Bên cạnh những phương án cải tạo đất, thì khu vực cũng thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do hệ quả từ bãi rác cũ để lại.
Một phần nhỏ khu vực đang được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại. Thời gian qua, các nhà máy này là nơi chuyên xử lý rác thải y tế và rác thải nguy hại cho môi trường. Trên hình là nhà máy nằm trong bãi rác Đông Thạnh.
Nếu được chấp thuận triển khai, dự án được kỳ vọng trở thành một sân golf đẹp với đầy đủ điều kiện để tổ chức các giải Golf PGA của thế giới. Từ đây, dự án có thể thu hút du khách ghé thăm và tạo thêm đà phát triển mới về mặt kinh tế cho người dân.
Trong bối cảnh quỹ đất sạch của thành phố ngày càng ít dần thì những địa điểm trên lại trở nên đắt giá. Thế nên, những địa điểm này nếu được tái sinh một cách hợp lý sẽ góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương cũng như góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường cho khu vực.
Bản đồ vị trí 3 khu vực được nêu ở trên bài.