Lộ diện khu vực sở hữu quỹ đất lớn, mật độ cây xanh/người cao nhưng mặt bằng giá nhà vào nhóm thấp nhất Hà Nội

Khu Nam sở hữu quỹ đất lớn, công viên hồ điều hòa rộng nhưng giá trung bình sơ cấp chung cư, nhà thấp tầng khu vực này thấp hơn hẳn một bậc so với khu Đông và Tây Hà Nội.
Lộ diện khu vực sở hữu quỹ đất lớn, mật độ cây xanh/người cao nhưng mặt bằng giá nhà vào nhóm thấp nhất Hà Nội - Ảnh 1.

Theo Savills Việt Nam, từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính hơn 10 năm, sự phát triển của các trung tâm mới cùng hạ tầng chất lượng đã tạo động lực di dân ra khỏi lõi trung tâm. Trong bức tranh mở rộng, phía Tây và phía Đông thủ đô nổi lên là hai khu vực ghi nhận sức phát triển mạnh mẽ với những đại đô thị được quy hoạch bài bản, hệ thống dịch vụ, hạ tầng phát triển đồng bộ. Đi cùng với đó giá nhà tăng nhanh chóng. Đối nghịch với khu Đông, Tây Hà Nội là khu vực phía Nam hiện mới bắt đầu phát triển trong vài năm trở lại đây và mặt bằng giá vẫn còn thấp.

Thống kê của Savills cho thấy, tại khu vực phía Tây, giá bất động sản tại khu vực phía Tây và Đông đã tăng mạnh trong suốt thời gian qua. Cụ thể, tại phía Tây, giá sơ cấp căn hộ trung bình trong nửa đầu năm 2023 đạt 58 triệu đồng/m2. Trong khi đó, căn hộ sơ cấp phía Đông có giá trung bình đạt khoảng 48 triệu đồng/m2. Đối với sản phẩm thấp tầng, giá sơ cấp trong 6T/2023 tại phía Tây là 157-225 triệu đồng/m2 đất và tại phía Đông là 158-168 triệu đồng/m2 đất.

Lộ diện khu vực sở hữu quỹ đất lớn, mật độ cây xanh/người cao nhưng mặt bằng giá nhà vào nhóm thấp nhất Hà Nội - Ảnh 2.

Trong khi mức giá trung bình bất động sản tại khu Đông và Tây liên tục tăng cao thì bất động sản phía Nam Hà Nội mới đang chậm chạp nhích dần. Cụ thể, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình đạt khoảng 33 triệu đồng/m2 và liền kề có giá bán sơ cấp trung bình khoảng 150 triệu đồng/m2. Như vậy, mức giá trung bình bất động sản khu nam chỉ bằng khoảng 2/3 giá dự án mở bán mới tại khu Đông và Tây.

Giải thích về sự chênh lệch giá giữa các khu vực, Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội, khu vực phía Tây mức giá đã phát triển hàng chục năm trước nên luôn neo ở khung cao. Trong khi đó, vài năm trở lại đây khu Đông có sự phát triển vượt bậc của những siêu dự án nên mặt bằng giá cũng nhanh chóng leo thang. Thị trường BĐS phía Nam dường như trầm hơn, giá không bị đẩy lên quá nhiều bởi khu vực này ít dự án mới.

“Các dự án phát triển bất động sản ở phía Nam Hà Nội chủ yếu tập trung phân khúc thấp và trung cấp. Khu Nam hiện đang có quỹ đất lớn trong khi đó chi phí đất không cao bằng các khu vực khác ở Hà Nội. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vì giá đầu vào thấp nên giá thành sản phẩm sẽ ở mức hợp lý", bà Hằng phân tích thêm: 

Lộ diện khu vực sở hữu quỹ đất lớn, mật độ cây xanh/người cao nhưng mặt bằng giá nhà vào nhóm thấp nhất Hà Nội - Ảnh 3.

Đánh giá về khu vực phía Nam, ông Vũ Cương Quyết – Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết tốc độ phát triển bất động sản phía Nam chậm hơn lại trở thành ưu điểm cho khu vực này khu mức giá chung cư khá hợp lý với túi tiền người mua nhà. Các căn hộ 2 phòng ngủ khu vực này hiện chỉ ở mức hơn 2 tỷ đồng, và 3 tỷ đồng có thể mua được những căn 3 phòng ngủ. Trong khi đó muốn sở hữu căn hộ 2 phòng ngủ khu vực phía Tây buộc khách hàng phải có trong tay từ 3 tỷ trở lên.

“Khu Nam Hà Nội chỉ cách trung tâm Hoàn Kiếm 5km, gần hơn so với khoảng cách 8km từ Mỹ Đình đến Hoàn Kiếm. So với khu Tây và Đông Hà Nội, khu Nam có mật độ cây xanh lớn bậc nhất Hà Nội khi hội tụ ba khu đô thị lớn KĐT kiểu mẫu Linh Đàm – Khu đô thị Gamuda - KĐT Tứ Hiệp và hai hồ điều hòa lớn nhất Hà Nội là Hồ điều hòa Linh Đàm và Hồ điều hòa Công viên Yên Sở. Mật độ xây dựng thấp, nhiều công viên hồ điều hòa đã đẩy mật độ cây xanh trên mỗi người dân tại khu Nam bậc nhất Hà Nội. Tôi cho rằng, khu vực phát triển mạnh nhất của bất động sản trong giai đoạn 2023-2025 khi các khu vực khác đã bão hòa về giá”, ông Quyết nhận định.

Thực tế cho thấy, hạ tầng khu Nam đang bứt phá mạnh mẽ khi nơi đây là cửa ngõ lớn của Hà Nội kết nối kinh tế giữa Hà Nội với các vùng Nam Bắc Bộ như: Hà Nam, Thanh Hoá đã liên tục được đầu tư những dự án lớn. Có thể kể đến như trục đường vành đai 3.5 và vành đai 4 đi qua các địa phận phía Nam Hà Nội gồm huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên…đang được tăng tốc xây dựng, Dự án đường nối vành đai 3 với cao tốc Pháp vân Cầu Giẽ với tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng vừa được khởi công hồi tháng 7/2023.

Lộ diện khu vực sở hữu quỹ đất lớn, mật độ cây xanh/người cao nhưng mặt bằng giá nhà vào nhóm thấp nhất Hà Nội - Ảnh 4.

Nhiều lực đẩy hạ tầng cho lớn khu Nam trong thời gian tới còn phải kể đến TTTM AEON Mall Hoàng Mai - siêu thị thứ 3 của Aeon tại Hà Nội sắp được triển khai xây dựng. Đặc biệt, huyện Thanh Trì sẽ lên quận giai đoạn 2025…là những lực đẩy quan trọng cho bất động sản khu Nam bứt trong 3 năm tới.

Đánh giá về tốc độ phát triển hạ tầng của khu Nam Hà Nội, ông Quyết cho biết khu nam Thủ đô được định hướng phát triển mạnh cụm công nghiệp, đồng thời đây cũng là giao lộ Bắc Nam nối Hà Nội với các tỉnh miền Trung và phía Nam cho nên có vai trò rất quan trọng. Do trước giờ chưa được đầu tư nhiều, quỹ đất còn rộng lớn nên khu vực này được nhận định sẽ là cực tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.