Theo tìm hiểu, Gami Group là một trong tập đoàn đa ngành do doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng sáng lập từ năm 1993 với khởi đầu là nhà phân phối của nhiều hãng xe hơi tại Việt Nam. Các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới mà tập đoàn phân phối tại Việt Nam bao gồm Mercedez Benz, Mitsubisshi, GM, Ford.
Trải qua 25 năm phát triển Gami Group hoạt động trên ba lĩnh vực chính: Thương mại, Bất động sản và Thực phẩm. Ban lãnh đạo hiện cũng có nhiều thay đổi, ông Dũng đã rời ghế chủ tịch Gami Group và đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB). Người nắm giữ Gami Group hiện tại bà Tạ Thị Tú Trinh với vai trò chủ tịch HĐQT.
Trước năm 2018, bà Tạ Thị Tú Trinh từng giữ vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Gami Group. Bà Trinh hiện cũng đang nắm cổ phần ở một số doanh nghiệp khác như FBS, CTCP Gami Bất động sản (Gami Land), CTCP Gami Thực phẩm, CTCP Đầu tư Thương mại Trung Sơn, CTCP Pizza Ngon.
Trong ba mảng kinh doanh cốt lõi, thời gian gần đây Gami Group nổi nhất với mảng bất động sản với công ty con Gami Land. Những công trình tiêu biểu như Tòa nhà 35 Quang Trung Hải Phòng, tòa nhà 14 Hoàng Quốc Việt, Tòa nhà CT3 Hà Nội, Continental Tower và Cantival Building TPHCM...Tính đến năm 2016, tổng số dự án của Gami đã lên đến con số 18 dự án với diện tích 200ha, tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ đô.
Khoảng 5 năm trở lại đây, Gami Group liên tục săn quỹ đất lớn với loạt dự án lớn trải dài khắp ba miền từ Phú Thọ, Hà Nội, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Gia Lai Phú Quốc đến TPHCM…tổng quỹ đất lên đến cả nghìn ha.
Mới đấy nhất, tháng 6/2021 UBND tỉnh Gia Lai vừa công bố thông tin nhà đầu tư đạt yêu cầu năng lực kinh nghiệm thực hiện hai Dự án Khu đô thị sinh thái khu vực miệng núi lửa âm làng Ốp có quy mô gần 35 ha (phường Hoa Lư, TP Pleiku) và Dự án Suối Hội Phú (đoạn 3) từ Khu đô thị Hoa Lư - Phù Đổng đến cầu Ia Sol có quy mô gần 50 ha.
Có hai nhà đầu tư đăng ký thực hiện cả hai dự án là CTCP Gami Hội An và CTCP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp (FBS). Sau quá trình đánh giá, FBS là nhà đầu tư duy nhất đạt yêu cầu năng lực, kinh nghiệm. Điều gây bất ngờ là danh sách cổ đông sáng lập của Gami Hội An có sự tham gia góp vốn của Công ty FBS với tỷ lệ 44% vốn điều lệ. Trong đó, FBS là công ty con của Công ty Cổ phần Gami Bất động sản (Gami Land) thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Gami (Gami Group).
Cũng tại Pleiku, Gami Group còn được biết đến là chủ đầu tư Dự án khu phố mới Hoa Lư với quy mô 15,6 ha.
Tại Hà Nội, Gami là chủ đầu tư dự án Khu đô thị và dịch vụ Tây Quốc Oai (Hà Nội Westgate) với quy mô 52,5 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 537 triệu USD. Mặc dù được quy hoạch là tổ hợp đa chức năng gồm: Khu khách sạn và trung tâm thương mại, khu biệt thự, nhà phố thương mại, công viên văn hóa…nhưng dự án này đã nằm bất động suốt 10 năm nay. Ngoài ra, Gami Group còn sở hữu Dự án Khu TTTM và Dịch vụ (Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Thạch Thất) quy mô gần 2 ha.
Sau gần 1 thập kỷ, dự án Hà Nội Westgate tại phía Tây Hà Nội vẫn “nằm trên giấy”.
Ngoài ra, Gami liên tục ghi dấu ấn với Dự án resort Bãi Trường quy mô 34,9 ha tại Phú Quốc; dự án Đô thị mới Hùng Vương, TP. Tuy Hòa, Phú Yên với quy mô 10,4 ha; Dự án Huế Theme Park, Dự án Tuần Châu Marina tại Quảng Ninh với quy mô hơn 6 ha…. Tại Đà Nẵng, doanh nghiệp đang triển khai dự án Eco Charm rộng 60 ha và Công viên văn hóa Hội An - Đà Nẵng hơn 10ha.
Bên cạnh đó, Gami còn được biết đến là chủ đầu tư một số dự án như Green City Ninh Bình (hơn 91 ha), Dự án Tràng An - Ninh Bình (77 ha), Khu dân cư suối Phú Hội tại Gia Lai (gần 50 ha), Khu du lịch sinh thái Miệng Núi Lửa tại Gia Lai (gần 28 ha), Gami Sea Legand Phú Yên (64 ha), Dự án Đầm Ô Loan tại Phú Yên (336 ha),...
Gami Land cũng từng muốn so găng cùng Novaland để được thực hiện nghiên cứu, khảo sát địa hình, lập quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500, lập đồ án quy hoạch và báo cáo nghiên cứu khả thi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu du lịch ven biển thuộc địa giới hành chính phường 10 và phường 11, TP Vũng Tàu với diện tích khoảng hơn 108 ha.
Dù có khá nhiều dự án vẫn chưa triển khai nhưng Gami Land này vẫn đang cho thấy tham vọng mở rộng quỹ đất. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong vài năm trở lại đây không mấy khả quan. Cụ thể, Cụ thể, Gami Land ghi nhận khoản lỗ hai năm liên tiếp vào giai đoạn 2016 - 2017. Sang giai đoạn 2018 - 2019, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lần lượt 7,4 và 8,4 tỷ đồng.