Liên doanh Nhật làm 2.000 căn hộ giá mềm “sát vách” Tp.Thủ Đức, thị trường bất động sản khu Đông vào “guồng đua” mới

Sau “cú bắt tay” gây chú ý giữa liên doanh TT Capital cùng 2 đối tác Nhật là Cosmos Initia và Koterasu Group vào tháng 12/2023 để phát triển 2.000 căn hộ đầu tiên tại Dĩ An (Bình Dương), đến nay cuộc đua dự án tại khu vực này ngày càng trở nên nhộn nhịp.

Theo ghi nhận, trong bối cảnh thị trường bất động sản phía Nam vẫn còn nhiều khó khăn, Bình Dương lại liên tục đón nhận những tín hiệu mới về nguồn cung. Ngoài hoạt động đầu tư dự án của loạt doanh nghiệp trong nước thì sự tham gia của liên doanh nước ngoài với phân khúc căn hộ vừa túi tiền đang gây chú ý.

Còn nhớ, vào cuối năm 2023, liên doanh giữa TTCapital cùng 2 đối tác Nhật là Cosmos Initia và Koterasu Group công bố phát triển dự án căn hộ đầu tiên tại Dĩ An (Bình Dương) – khu vực “sát vách” Tp.Thủ Đức (Tp.HCM). Dự án có quy mô 2.000 căn hộ, giá dưới 2 tỷ đồng mỗi căn.

Theo đó, 2 doanh nghiệp Nhật này đầu tư khoảng 150 triệu USD cho TTCapital trong vòng 5 năm tới. Mục tiêu mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ giá vừa túi tiền. Dự án tại Dĩ An, Bình Dương là dự án đầu tiên nằm trong chuỗi hợp tác này.

Sau “cú bắt tay” gây chú ý, hiện dự án đang tiến hành các thủ tục cần thiết để có thể ra mắt thị trường vào quý 3 năm 2024. Dù chưa cụ thể thời điểm chính thức bung thị trường, song dự án được mong đợi do mức giá mềm – vốn đang trở thành lợi thế thanh khoản của thị trường địa ốc phía Nam.

Ngoài động thái của liên doanh này, mới đây, 4 nhà đầu tư Nhật Bản gồm Tập đoàn Sumitomo Forestry, Tập đoàn Kumagai Gumi, Công ty Phát triển đô thị NTT và Công ty AEON Việt Nam (thành viên Tập đoàn AEON) cũng “hợp sức” với một doanh nghiệp Việt để phát với dự án căn hộ tại khu vực Thuận An (Bình Dương). Hoạt động này được quan tâm khi dự án có quy mô gần 50 ha và vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.

Ghi nhận cho thấy, sau khoảng thời gian im ắng, thị trường bất động sản Bình Dương nói riêng, khu vực phía Đông Tp.HCM nói chung bước vào “guồng đua” mới. Các hoạt động bung dự án rục rịch trở lại. Sức cầu tích cực ở các dự án có ngưỡng giá mềm, xây dựng chất lượng.

Liên doanh Nhật làm 2.000 căn hộ giá mềm “sát vách” Tp.Thủ Đức, thị trường bất động sản khu Đông vào “guồng đua” mới- Ảnh 1.

Giá căn hộ sơ cấp Bình Dương vẫn chiều hướng tăng. Nguồn: Nhatot.com

Liên doanh Nhật làm 2.000 căn hộ giá mềm “sát vách” Tp.Thủ Đức, thị trường bất động sản khu Đông vào “guồng đua” mới- Ảnh 2.

Trong tháng 3/2024, mức độ quan tâm bất động sản Bình Dương bật tăng ở các khu vực. Nguồn: Batdongsan.com.vn

Báo cáo mới nhất của Nhà Tốt mới đây chỉ ra, Bình Dương vẫn duy trì sức hút về nhu cầu tìm kiếm căn hộ cho người lao động, công nhân và giới chuyên gia.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tìm kiếm căn hộ Bình Dương tăng 14% so với cùng kỳ 3 tháng trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ liên lạc thành công lại giảm nhẹ 3%. Nguyên nhân do nguồn cung về căn hộ bình dân và trung cấp ngày càng hiếm khiến phần đông người dân không tìm kiếm được căn hộ phù hợp để liên hệ.

Cùng với đó, giá trung bình căn hộ tại Bình Dương trong các tháng đầu năm ghi nhận tăng giá 3% so với cùng kì trước đó. Giá tăng chủ yếu đến từ nguồn cung căn hộ cao cấp (tăng khoảng 5%), trong khi nguồn cung dự án giá mềm ngày càng vơi.

Trong bối cảnh việc tìm kiếm quỹ đất để phát triển các dự án giá mềm không còn dễ dàng suốt nhiều năm qua tại Tp.HCM và khu lân cận thì động thái “hợp sức” của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang tạo nên sự nhộn nhịp cho thị trường khu vực này. Từ đó, người mua kì vọng nguồn cung bất động sản sẽ dồi dào trong tương lai, cơ hội lựa chọn sẽ đa dạng hơn.

Ở khía cạnh sản phẩm, Nhật Bản đã từng tham gia vào một số dự án nhà ở của Nam Long, Phú Mỹ Hưng… và nhận được sự quan tâm tích cực từ thị trường. Ở khía cạnh tài chính, sự bắt tay của doanh nghiệp trong và ngoài nước là bệ đỡ để các doanh nghiệp Việt vượt qua giai đoạn khó khăn, vững tài chính đi đường dài với thị trường. Đồng thời, thị trường bất động sản Việt Nam cũng là “mảnh đất” tiềm năng để các ông lớn Nhật khai thác và sinh trưởng.

Từng chia sẻ về câu chuyện hợp tác giữa doanh nghiệp Việt và Nhật Bản, ông Nguyễn Đình Trường - Tổng giám đốc TTCapital cho hay, nhu cầu và dư địa phát triển của bất động sản Việt Nam còn nhiều. Vì thế, sự hợp tác giữa doanh nghiệp bất động sản trong nước với doanh nghiệp nước ngoài là sân chơi công bằng, đôi bên cùng có lợi và bù đắp lợi thế cho nhau một cách tự nhiên.

Đối với doanh nghiệp trong nước sẽ tận dụng được nguồn vốn rẻ và ổn định. Trong bối cảnh các kênh huy động vốn còn khó khăn thì nguồn vốn dồi dào của đối tác Nhật hay các nhà đầu tư khác là rất hữu ích để phát triển dự án.

Cùng với đó, việc có các doanh nghiệp uy tín nước ngoài tham gia vào dự án sẽ giúp khẳng định năng lực của chủ đầu tư. Đặc biệt, Nhật Bản là nhà đầu tư thẩm định và lựa chọn dự án rất kỹ càng.

Liên doanh Nhật làm 2.000 căn hộ giá mềm “sát vách” Tp.Thủ Đức, thị trường bất động sản khu Đông vào “guồng đua” mới- Ảnh 3.

Động thái "hợp sức" của doanh nghiệp trong nước với ông lớn nước ngoài kì vọng sẽ cải thiện nguồn cung chất lượng trên thị trường địa ốc. Ảnh: Minh họa

Về phía Nhật sẽ tận dụng được năng lực triển khai và am hiểu thị trường của đối tác Việt. Khi tham gia vào bất động sản Việt Nam với nhiều quy định phức tạp họ cần một đối tác có năng lực triển khai và nắm bắt đầy đủ quy định.

“Việt Nam với cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa cao và thu nhập tăng đều, là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Nhật mở rộng và phát triển kinh doanh. Với môi trường lãi suất thấp ở Nhật, các doanh nghiệp có nguồn vốn nhàn rỗi hầu hết sẽ phải tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài. Thị trường bất động sản Việt Nam thuộc trong nhóm những nơi có mức sinh lời hợp lý. Nhất là sau gần 3 năm biến động và điều chỉnh thì rủi ro của thị trường bất động sản Việt Nam đã giảm đi nhiều và bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi”, vị này nhấn mạnh.