Đây là tuyến đường bộ ngắn nhất nối cảng Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị), kết nối khu vực duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông Thái Lan.
Thời gian nộp hồ sơ là 3 tháng kể từ ngày UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản chấp thuận. Sau thời gian trên, nếu Liên danh được giao lập hồ sơ đề xuất Dự án không có hồ sơ báo cáo thì văn bản này hết hiệu lực.
Dự án đường Quốc lộ 15D nối từ cảng biển Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng) đến cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông) được Thủ tướng Chính phủ xác định trong quy hoạch mạng đường bộ quốc gia từ năm 2015, dài khoảng 92km, bao gồm 5 đoạn.
Đoạn 1 từ cảng biển Mỹ Thủy đến quốc lộ 1A dài 13,8km (đã có đường cũ với quy mô đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe); đoạn 2 từ Quốc lộ 1A đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 8km; đoạn 3 từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh tây dài 34km; đoạn 4 đi trùng với đường Hồ Chí Minh nhánh tây dài 24km; đoạn 5 từ đường Hồ Chí Minh nhánh tây đến cửa khẩu quốc tế La Lay dài 12km (đã có đường cũ với quy mô đường cấp IV-VI miền núi). Trong đó, đoạn 2 và 3 dài 42km chưa đầu tư xây dựng.
Vào giữa tháng 10/2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng chấp thuận giao UBND tỉnh Quảng Trị làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP với quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, đoạn 2 và 3 dự án dài 42km này chưa được đầu tư xây dựng này đã được Quảng Trị và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tính toán với quy mô đảm bảo nhu cầu khai thác, phù hợp quy hoạch, tổng mức đầu tư 42km là 6.800 tỷ đồng.
Theo các thông tin công bố, thời gian qua, lưu lượng hàng hóa vận chuyển từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế La Lay tăng đột biến, tần suất 300 - 400 xe/ngày. Các phương tiện vận tải di chuyển qua các tuyến đường hiện có với chiều dài khoảng 250km mới đến cảng biển gần nhất. Việc đầu tư tuyến mới sẽ rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm chi phí, thời gian, đảm bảo an toàn giao thông…
UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá, việc đề xuất đầu tư dự án theo PPP trong bối cảnh ngân sách trung ương và địa phương còn hạn chế, trong khi nhu cầu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội ngày một tăng cao.
Về các thành viên trong liên danh muốn thực hiện dự án trên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn được biết đến là một doanh nghiệp Việt Nam đa ngành nghề được thành lập bởi ông Phạm Hoành Sơn vào năm 2001 và có trụ sở chính tại tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam.
Thời gian qua, Tập đoàn Hoành Sơn nổi tiếng với những thương vụ đầu tư giá trị tại Hà Tĩnh, đã quá hành trình thăng trầm từ cảng biển tới đất vàng.
Công ty TNHH Phonesack Việt Nam hiện có người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Kim Sơn, ông Sơn cũng đồng thời là đại diện của Công ty Cổ phần Mỹ Thủy Southern Port.
Thành viên thứ 3 trong liên danh là Công ty TNHH Nam Tiến dù chưa có thông tin cụ thể nhưng được cho là một doanh nghiệp lớn có trụ sở chính tại tỉnh Thái Nguyên đã và đang có hoạt động hết sức tích cực tại Quảng Trị.