Đến nay, dù dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam nhưng những tác động nặng nề của dịch bệnh khiến các ngân hàng tiếp tục có động thái điều chỉnh giảm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Khối ngân hàng, từ quốc doanh đến tư nhân, tùy từng kì hạn, đều giảm từ 0,1 - 0,5%/năm.
Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng sụt giảm, khảo sát dựa trên dữ liệu của TinNhaDatVN.Com, Vnexpress, Tổng cục Thống kê cho thấy, có đến 29% số người được hỏi vẫn lựa chọn bất động sản như một kênh đầu tư hữu hiệu. Tỉ lệ này áp đảo so với các kênh đầu tư khác như gửi tiền tiết kiệm (24%), vàng (17%), chứng khoán (12%). Như vậy, kênh nhà đất đứng đầu trong lựa chọn về đầu tư. Điều này không khó hiểu bởi từ lâu, với người Việt Nam, bất động sản không chỉ là tài sản có thể tăng giá theo thời gian mà còn là một kênh tích trữ và đảm bảo giá trị tài sản. Trong khi đó, nguồn tiền trong dân được giới chuyên gia nhận định là rất lớn. Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, đánh giá của ông Alwaleed Fareed Alatanani, Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra một nghiên cứu cho biết, hiện có khoảng 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân ở Việt Nam.
Một bộ phận không nhỏ người dân có tiền nhàn rỗi coi đầu tư bất động sản như một kênh trú ẩn an toàn của dòng tiền. Ảnh minh họa |
Do đó, không khó hiểu khi một bộ phận không nhỏ người dân đã tìm đến bất động sản như một kênh trú ẩn an toàn của dòng tiền. Thế nhưng, việc không có kiến thức, thiếu hiểu biết về thị trường bất động sản khiến những quyết định đầu tư không còn mang ý nghĩa bảo toàn và tăng giá trị tài sản mà lại khiến nhà đầu tư đau đầu, đối mặt với những mối lo và rủi ro mới.
Anh Nguyễn Hữu Thanh (Hoài Đức, Hà Nội) kể lại câu chuyện buồn về đầu tư bất động sản vào tháng 4 vừa qua. Từ cuối năm 2019, khi hai vợ chồng có 1 khoản tích lũy, anh Thanh đã ngó nghiêng đất ở nhiều nơi để đầu tư nhưng vẫn chưa tìm được sản phẩm ưng ý. Thời điểm sau Tết, dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng bị sụt giảm. Anh Thanh cho rằng đây là lúc thị trường giảm tốc nên sẽ bắt đáy đầu tư.
Đúng lúc đó, một môi giới làm việc với anh Thanh từ cuối năm ngoái hồ hởi thông báo lô đất ở Đông Anh anh từng tìm hiểu, chủ đất đang cần tiền gấp nên bán cắt lỗ 150 triệu, tính ra mỗi m2 đã bị xuống khoảng 2 giá. Lô đất đó anh Thanh đã trực tiếp xuống thực địa và kiểm tra cả giấy tờ pháp lý từ năm ngoái nên ngay khi có thông tin cắt lỗ cùng với “bài” giục của môi giới là không xuống tiền thì người khác lấy mất, anh Thanh mau mải chuyển tiền cọc, sau đó là hoàn tất thủ tục mua bán.
Thời điểm anh xuống tiền là tháng 4 và tháng 5 khi quay lại đó, anh Thanh mới ngã ngửa khi biết dù cắt lỗ 150 triệu so với giá rao bán cuối năm ngoái nhưng giá rao bán năm ngoái đã cao hơn tận 30% so với mặt bằng chung của thị trường. Do đó, mang tiếng “cắt lỗ” nhưng xét đến cùng, anh Thanh vẫn mua phải sản phẩm giá cao. Trong khi đó, những lô đất có vị trí đẹp hơn lô đất của anh, giá chỉ ngang, thậm chí thấp hơn nhưng rao cả năm vẫn chưa ai mua. Anh Thanh trách mình vội vàng, không khảo sát kĩ thị trường, dễ tin và gặp phải môi giới không có tâm.
Tương tự, chị Nguyễn Vân (Thanh Xuân, Hà Nội) có khoản tiền tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng. Chị tất toán khoản tiết kiệm đó vào đầu tháng 5 và quyết định đem đi đầu tư đất khi lãi suất ngân hàng sụt giảm. Sau hơn tháng tìm hiểu, chị quyết định mua một lô đất nền thuộc dự án trong Nam. Dự án đó pháp lý, quy hoạch đều chuẩn chỉ. Tuy nhiên, sau khi mua xong, chị Vân mới phát hiện ra giai đoạn 1 của dự án này bán từ hơn 1 năm trước và trên thị trường chuyển nhượng, nhà đầu tư đều đang chật vật, cắt lỗ vẫn chưa đẩy được hàng. Trong khi, giai đoạn 2 của dự án vị trí cũng không hề đẹp hơn nhưng giá lại cao hơn 10-15% so với giai đoạn 1. Không chỉ thế, đáng nói, giá đất của dự án này cao hơn rất nhiều so với đất dân xung quanh và nguồn cung đất dân xung quanh vẫn còn rất lớn. Đến thời điểm này, chị Vân cảm thấy hối tiếc vì vội vã đã xuống tiền không đúng sản phẩm.
Nhà đầu tư Vũ Minh Hải cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế suy giảm, rất nhiều người có tiền nhàn rỗi đã tìm đến bất động sản như một kênh trú ẩn quan trọng của dòng tiền. Thế nhưng phần lớn những cuộc tìm kiếm này đều là của các nhà đầu tư nghiệp dư. Họ vội vã, chưa hiểu biết nhiều và có phần mang tâm lý đám đông khi đầu tư. Trong khi đó, theo ông Hải, đầu tư bất cứ lĩnh vực nào, không chỉ là đất, đều cần đến một quá trình tích lũy kiến thức, thực địa và hiểu thị trường. Việc tìm mua bất động sản trong bối cảnh lãi suất giảm hay kì vọng thị trường chạm đáy càng cần đến kiến thức hơn.
Ông Hải cho biết thêm, những nhà đầu tư chuyên nghiệp trong các nhóm ông chơi vẫn đang “án binh chờ thời”. Bởi lẽ, thực tế lãi suất ngân hàng chỉ đang giảm mạnh ở những kì hạn ngắn từ 1-5 tháng, trong khi những kì hạn dài trên 6 tháng tại nhiều ngân hàng vẫn duy trì mức trên 7%. Cùng với đó, thị trường bất động sản được nhận định là vẫn chưa chạm đáy. Do đó, họ vẫn có tâm lý chờ đợi và vẫn để tiền ngủ trong ngân hàng với kì hạn dài.
Nguyên Nguyên
>> Hoạt động đầu tư BĐS nửa đầu năm sụt giảm mạnh vì Covid-19
>> Thiếu kiến thức, môi giới bất động sản sẽ làm “loạn” thị trường