Là phân khúc đầu tư "vua" nhưng lại chịu ảnh hưởng lớn nhất trong cơn "biến động", đến nay đất nền rục rịch giao dịch trở lại

DKRA cho biết, sức cầu thị trường đã tăng nhẹ, thể hiện ở việc 510 sản phẩm được giao dịch, đạt tỷ lệ tiêu thụ 70%. Những dự án có hạ tầng và pháp lý hoàn thiện thu hút người mua hơn cả.

Đất nền là phân khúc bất động sản được nhiều người lựa chọn đầu tư, vì vậy khi thị trường tích cực thì giao dịch đất nền trở nên “sốt nóng” ở nhiều địa phương. Nhưng, khi thị trường gặp khó khăn về dòng tiền thì phân khúc này lại ghi nhận giao dịch trầm lắng nhất.

Theo báo cáo mới công bố của DKRA Việt Nam về phân khúc đất nền, TP.HCM và các tỉnh lân cận ghi nhận 6 dự án mở bán sản phẩm đất nền trong tháng 11, trong đó có 4 dự án mới.

727 sản phẩm đất nền được cung cấp ra thị trường, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó tỉnh Bình Dương chiếm 68,8% tổng nguồn cung, còn lại là Long An chiếm 28,7% và TP.HCM chiếm 2,5%

DKRA cho biết, sức cầu thị trường đã tăng nhẹ, thể hiện ở việc 510 sản phẩm được giao dịch, đạt tỷ lệ tiêu thụ 70%. Những dự án có hạ tầng và pháp lý hoàn thiện thu hút người mua hơn cả.

Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với đợt mở bán liền kề trước đó. Giá dao động từ 19,2 - 31,5 triệu đồng/m2 tại TP.HCM; 13,8 - 32,8 triệu đồng/m2 tại Long An và từ 14,5 - 18,8 triệu đồng/m2 tại Bình Dương.

Trên thị trường thứ cấp, mức giá liên tục đi ngang trong thời gian qua. Thị trường cũng xuất hiện những giao dịch cắt lỗ đối với những nhà đầu tư dùng đòn bẩy ngân hàng. Áp lực cả về dòng tiền và lãi suất ngày càng tăng cao, tuy nhiên thanh khoản thị trường vẫn rất trầm lắng.

Thực tế khảo sát, giao dịch đất nền vẫn âm thầm diễn ra ở nhóm nhà đầu tư có sẵn tiền mặt, đây cũng là cơ hội để nhóm nhà đầu tư này bắt đáy.

Anh Ngô Văn Thiện (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa chốt mua một lô đất tại Bắc Ninh chia sẻ: “Thị trường có lúc lên lúc xuống nhưng dòng tiền vẫn ổn định chứ không dịch chuyển sang kênh đầu tư khác. Nhiều người đang ôm tiền chờ thời cơ mua vào. Tuy nhiên, theo tôi nếu có sẵn tiền mặt thì thời điểm này nên đi lựa chọn sản phẩm bởi không lúc nào lại mua dễ như bây giờ cả”.

Một nhà đầu tư có kinh nghiệm hơn 7 năm đầu tư bất động sản chia sẻ: “Khi thị trường có dấu hiệu chững, tôi đã bán một vài lô để thu tiền về gửi ngân hàng, chờ cơ hội giá đất nền sụt giảm thì khi đó rút tiền từ ngân hàng tiếp tục đầu tư”.

Chị tiết lộ thêm, mới đây, chị vừa chốt được một lô đất, so với thời điểm sốt nóng, lô đất hiện tại có giá mềm hơn rất nhiều. Chị xác định đầu tư dài hạn khi nào thị trường nóng lên mới bán ra.

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư lựa chọn bất động sản giữa bối cảnh như hiện nay, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, trong kinh doanh bất động sản, vị trí là yếu tố quan trọng khi đầu tư. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khu vực trung tâm thành phố lớn đã không còn nguồn cung. Vì thế, vị chuyên gia cho rằng, khu vực vệ tinh, lân cận thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay các thị trường mới, kết nối thuận tiện, giàu tiềm năng du lịch sẽ là lựa chọn phù hợp.

Tại các khu vực này, giá bất động sản còn ở vùng hấp dẫn, dư địa tăng giá vẫn còn rộng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể đánh giá về giá trị thật của sản phẩm dựa trên các điều kiện về cơ sở hạ tầng giao thông (cầu, đường, bến cảng, sân bay…) hạ tầng dịch vụ (bệnh viện, trường học, siêu thị, các tiện ích công cộng…). Trong bất cứ bối cảnh nào của thị trường, những yếu tố trên vẫn là bảo chứng an toàn cho bất động sản.

Bà Lương Đình Thúy Vân, CEO Mogin Holdings khuyến nghị, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nhà đầu tư nắm trong tay tiền mặt là lợi thế cực lớn. "Nhà đầu tư chờ bắt đáy nên ưu tiên mua hàng chất lượng tốt, pháp lý an toàn, giá hợp lý, có thể khai thác sử dụng ngay hơn là nhắm vào tài sản siêu rẻ hình thành trong tương lai vì rất khó có hàng vừa rẻ vừa ngon".