Chị Cao Hương Giang, chủ 2 homestay phố cổ Hà Nội bùi ngùi nhớ lại thời kì huy hoàng của homestay cũng là thời kì chị mới bước chân vào lĩnh vực này. Dịp Tết Nguyên đán những năm 2018, 2019, homestay của chị luôn đông khách trong tháng Tết. Thậm chí, nếu khách không đặt phòng trước 2 tuần thì không bao giờ có phòng trống. Khi đó, khách du lịch nước ngoài chiếm đến 60-70% lượng khách đặt phòng homestay.
Dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 khiến nguồn khách quốc tế không có buộc chị Giang chuyển hướng sang dòng khách nội địa. Chị đã đẩy mạnh các chương trình quảng cáo, tăng cường dịch vụ, trải nghiệm, giảm giá nhằm thu hút khách nội địa. Tình hình kinh doanh tuy được cải thiện so với giai đoạn giãn cách xã hội nhưng homestay vẫn trong tình trạng cầm cự. Chị đã kì vọng doanh thu sẽ tăng dịp trong và sau Tết Nguyên đán nhưng dịch Covid-19 bùng phát mạnh trước Tết khiến homestay chỉ lèo tèo một vài khách nội địa. “Dù đã giảm giá phòng, tạo sự riêng biệt, độc lạ cho homestay nhưng dịch bệnh bùng lại khiến nguồn khách không đáng kể. Năm vừa rồi và đến thời điểm này, tôi thực sự kiệt quệ”, chị Giang cho biết.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến việc kinh doanh homestay dịp Tết thất thu
Cũng từng thuê nhà trên khu phố cổ để kinh doanh homestay, hướng tới phục vụ du khách quốc tế nhưng khi nhận ra tình hình dịch bệnh trên thế giới phức tạp, không được kiểm soát tốt như ở Việt Nam, thời điểm đó, anh Nguyễn Tất Thắng (Thanh Xuân, Ha Nội) hiểu nguồn khách quốc tế sẽ chưa thể phục hồi ngay nếu chưa có Vaccine. Do đó, anh Thắng đã quyết định trả nhà trước hạn, chấp nhận lỗ để tìm cơ hội đầu tư mới. Dịch Covid-19 khiến xu hướng du lịch staycation bùng nổ, anh cùng bạn bè nhanh nhạy nắm bắt cơ hội và triển khai đầu tư qua việc mua lại cơ sở kinh doanh của một người chủ cũ ở Hà Giang. Thị trường du lịch staycation sôi động. Anh Thắng và bạn đều kì vọng vào một cái Tết ấm no nhưng dịch bệnh bùng phát khiến công việc kinh doanh thời điểm Tết cũng rơi vào cảnh thất thu, khi lượng khách chỉ bằng 40% so với thời điểm cuối năm 2020.
Theo trào lưu nghỉ dưỡng ven đô, anh Nguyễn Quang Tuệ (Đống Đa, Hà Nội) đầu tư mạnh tay một khu homestay nhỏ tại Hòa Bình. Do thiết kế độc lạ nên thời điểm quý 4/2020, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, homestay của anh có khá đông khách Hà Nội chọn làm nơi nghỉ dưỡng, đặc biệt vào các dịp cuối tuần. Anh nhận định dịp Tết Nguyên đán lượng khách sẽ tăng mạnh nên đã lên kế hoạch làm thêm phòng, tuyển thêm người để phục vụ dịp Tết. Nhưng cuối cùng trước Tết dịch bệnh lại bùng phát khiến mọi thứ đảo lộn hoàn toàn. Khách đặt phòng đều lần lượt hủy. Dịp Tết vừa rồi homestay của anh vô cùng vắng vẻ.
Theo tìm hiểu của TinNhaDatVN.Com, thực trạng trên là thực trạng chung ở các homestay phía Bắc trong suốt thời gian qua khi phía Bắc chiếm một lượng lớn các tỉnh có dịch. Một khảo sát cho thấy các homestay vùng ven Hà Nội thuộc Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây (Hà Nội) hay các tỉnh như Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Giang, Yên Bái… lượng khách đều sụt giảm mạnh từ 50-80% so với thời điểm Tết Nguyên đán huy hoàng những năm 2018-2019. Trong đó khu vực phố cổ và ven thủ đô lượng khách giảm mạnh nhất, có chỗ đóng cửa hoàn toàn dịp Tết. Những khu vực vùng cao như Hà Giang, Sơn La, Yên Bái… lượng khách dù chỉ bằng khoảng 40-60% so với những Tết trước nhưng không đến mức hiu hắt, vắng vẻ như các homestay vùng đồng bằng.
Theo chị Cao Hương Giang, giới kinh doanh homestay như chị đang tiếp tục phải đối mặt với giai đoạn kinh doanh khó khăn. Những người sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng cho bài toán đầu tư homestay càng “đứng ngồi không yên”. Dù khó khăn, anh Nguyễn Quang Tuệ vẫn tỏ ra lạc quan, anh cho rằng với việc vaccine Covid-19 sẽ về Việt Nam trong tháng 2 và với thực tế chống dịch tại Việt Nam thời gian qua, anh tin “trạng thái bình thường mới” sẽ sớm được thiết lập lại, việc kinh doanh theo đó cũng dần ổn định.
Duy Bách