Hiệp hội nhận thấy rằng, thực tế hiện nay vẫn có các nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại tự thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các "chủ đất" nhưng thường gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Điều này dễ dẫn đến tình trạng đất "da beo", không thể triển khai thực hiện dự án, dự án bị chôn vùi. Do đó, đa số nhà đầu tư đều mong muốn tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để có ngay quỹ đất sạch để thực hiện dự án.
Mặc dù, đều nhằm mục đích lựa chọn nhà đầu tư cho dự án nhưng mục đích đấu giá là để lựa chọn nhà đầu tư trả giá cao nhất, còn mục đích đấu thầu là để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực nhất, dự án có chất lượng tốt nhất và có cam kết nghĩa vụ tài chính với Nhà nước cao nhất. Đặc biệt, trong một số cuộc đấu thầu dự án có sử dụng đất trước đây đã có trường hợp nhà đầu tư dự thầu còn tự nguyện đóng góp thêm nghĩa vụ tài chính vào ngân sách nhà nước địa phương ngoài tiêu chí hồ sơ mời thầu.
Vì vậy, nhằm thực hiện mục tiêu "nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa công bằng và ổn định xã hội; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" và giải pháp thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, HoREA đã kiến nghị thêm một số quy định cụ thể về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; bảo đảm công khai, minh bạch.
Theo đó, Hiệp hội đề nghị bỏ quy định đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với đất chưa giải phóng mặt bằng, đồng thời với bỏ quy định trách nhiệm của "Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu" và đề nghị chỉ đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với đất đã giải phóng mặt bằng tại điểm c khoản 3 và khoản 6 Điều 126 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):
Tiếp theo là đề nghị bổ sung thêm các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất để thực hiện các "dự án thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, du lịch, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất phi nông nghiệp" tại khoản 1 Điều 126 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Cùng với đó là đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ quy định các tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư có sử dụng đất phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định dự án đầu tư có sử dụng đất phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
HoREA cũng đề nghị bổ sung điều kiện "có quy hoạch xây dựng 1/500" đối với thửa đất, khu đất thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất:
Ngoài ra, Hiệp hội kiến nghị bổ sung điểm d khoản 5 Điều 64 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định "khuyến khích nhà đầu tư dự thầu cam kết tự nguyện đóng góp thêm cho ngân sách nhà nước ngoài đề xuất về tài chính trong hồ sơ dự thầu".
Bên cạnh đó, HoREA cũng bổ sung đề nghị giao thẩm quyền và trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn phương thức "đấu thầu dự án có sử dụng đất" hoặc phương thức "đấu giá quyền sử dụng đất" để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với từng thửa đất, khu đất và thực tiễn của địa phương.
Cuối cùng là đề nghị bổ sung quy định "trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phải giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu". Nếu quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất mà nhà đầu tư không tổ chức triển khai thực hiện dự án thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hủy kết quả trúng đấu thầu.