Tập đoàn Hòa Phát đã ký biên bản đầu tư 3 dự án với tổng quy mô trên 120.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) tại khu vực xã Hòa Tâm và Bãi Gốc, thuộc thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Nơi đây có vị trí quỹ đất trống lớn, cách cảng biển và sân bay chưa đến 20 km.
Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư 3 dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên gồm: Dự án Cảng Bãi Gốc, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm và Dự án kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm. Tổng mức đầu tư đối với 3 dự án dự kiến khoảng 120.000 tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD.
Dự án có vị trí gắn liền với tuyến đường Quốc lộ 29 thuộc địa bàn của xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên; cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 24 km, cách cảng Vũng Rô 15 km và nằm cách sân bay Tuy Hòa 17 km.
Dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 1.080 ha (10,8 km2), gắn liền với sự hình thành và phát triển của dự án cảng Bãi Gốc. Khu công nghiệp Hòa Tâm được xác định là hạt nhân của Khu kinh tế Nam Phú Yên .
Vốn đầu tư dự kiến xây dựng cảng Bãi Gốc khoảng 24.000 tỷ đồng. Cảng có mực nước sâu khoảng 20 - 25 m, cũng là cảng gần hải phận quốc tế và tuyến đường hàng hải quốc tế nhất. Cảng có diện tích 2,2 km2, trong đó diện tích mặt đất là 1,34 km2 ha, diện tích mặt nước là 0,86 km2.
Cảng Bãi Gốc được quy hoạch để phát triển gắn liền với các nhóm ngành nghề gồm: lọc dầu, luyện kim và ngành năng lượng. Cảng có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí và tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 50.000 tấn, định hướng có bến chuyên dùng tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 tấn.
Đối với Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát , đây là dự án thuộc Khu công nghiệp Hòa Tâm. Dự kiến sẽ là nhà máy gang thép mới của Tập đoàn Hoà Phát với tổng vốn đầu tư 86.000 tỷ đồng, bằng dự án Dung Quất 2 (85.000 tỷ đồng). Dự án Dung Quất 2 có công suất khoảng 5,6 triệu tấn thép/năm, dự kiến hoàn thành vào quý I/2025.
Các dự án trên khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 lao động tại Phú Yên; đóng góp ngân sách mỗi năm trên dưới 10.000 tỷ đồng cho địa phương. Riêng Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát sẽ sử dụng khoảng 12.000 lao động.
Khu vực Bãi Gốc và phần diện tích đất xây dựng Khu công nghiệp Hòa Tâm hiện nay là khu vực đất bỏ hoang, người dân chăn thả gia súc. Một phần khác được người dân sử dụng để nuôi trồng thủy hải sản.
Hiện nay, tỉnh Phú Yên đang đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông gắn liền với sự phát triển của Khu công nghiệp Nam Phú Yên nói chung và Khu công nghiệp Hòa Tâm, cảng Bãi Gốc nói riêng. Có thể kể đến Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối Cao tốc Bắc – Nam, Quốc lộ 1A với Khu công nghiệp Hòa Tâm. Dự án có tổng chiều dài hơn 8 km, nền đường rộng 42m, mặt đường rộng 21m bằng bê tông xi măng và bê tông nhựa. Tổng vốn đầu tư hơn 974 tỷ đồng.
Công trình này không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân mà còn góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng và hoạt động của cảng Bãi Gốc, cảng Vũng Rô; từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Nam Phú Yên, kết nối với khu kinh tế các vùng và khu vực.
Cầu Đà Nông bắc qua sông Bàn Thạch, có chiều dài gần 500 m, rộng 12 m với 2 làn xe. Cầu là đầu mối giao thông quan trọng, nằm trên tuyến giao thông ven nối thành phố Tuy Hòa đến Khu công nghiệp Hòa Tâm, cảng Vũng Rô với các khu dân cư khác.
Giao thông đô thị trong khu kinh tế cũng được mở rộng. Lộ giới tuyến đường Hùng Vương kéo dài được quy hoạch mặt đường rộng 57 – 63 m kết nối với Quốc lộ 29 đảm bảo đủ năng lạc khai thác vận tải hàng hóa từ cảng Bãi Gốc lên Tây Nguyên và tuyến giao thông đô thị ven biển.
Khu công nghiệp Hòa Tâm, cảng Bãi Gốc còn tiếp giáp với các khu công nghiệp, khu đô thị sẽ được đầu tư xây dựng lân cận, đặc biệt là Khu kinh tế Bắc Khánh Hòa (Khu kinh tế Vân Phong), từ đó sẽ liên kết hỗ trợ cho nhau hình thành cụm cảng Vân Phong – Bãi Gốc – Vũng Rô, một trong những cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên.