Không thể để mãi lãng phí nhà, đất công

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, hiện còn gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý

Theo Bộ Tài chính, tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố về tình hình quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà, hiện nay có 31/63 địa phương có quỹ nhà, đất giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà.

Bức xúc vì lãng phí

Các tổ chức quản lý, kinh doanh nhà hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau như doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước. Các tổ chức này đang quản lý tổng số 87.664 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích 23,7 triệu m2, tổng diện tích sàn hơn 5,2 triệu m2.

Việc lãng phí nhà, đất công diễn ra lâu nay, từng nhiều lần được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu, chất vấn quyết liệt trên nghị trường.

ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nhận định đất đai đang bị lãng phí rất lớn và là vấn đề rất dễ nhận diện. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách.

Dẫn báo cáo của đoàn giám sát của QH về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, ông Tạo cho hay có tới hơn 900 công trình dự án sử dụng đất nhưng để hoang hóa hoặc chậm đưa đất vào sử dụng dẫn tới lãng phí, với diện tích lên tới hơn 28.000 ha.

Còn theo ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), việc giải quyết vướng mắc về đất đai không chỉ là trách nhiệm của địa phương mà có trách nhiệm của rất nhiều bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, khi có vướng mắc, các địa phương gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành thì câu trả lời là cứ thực hiện theo quy định của pháp luật. Ngay cả khi pháp luật không có quy định hoặc có quy định khác nhau, câu trả lời trong nhiều trường hợp vẫn cứ là "thực hiện theo quy định của pháp luật" thì vướng mắc không thể giải quyết, điều đó cũng gây bức xúc và thất vọng đối với nhiều địa phương.

Tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XV mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trách nhiệm các đơn vị trong quản lý tài sản công được phân định rõ theo từng cấp, ngành. Như các tài sản công thuộc bộ, ngành quản lý thì trách nhiệm thuộc Chính phủ và cơ quan tham mưu là Bộ Tài chính. Còn đa số tài sản công trực thuộc phạm vi quản lý UBND tỉnh khi sắp xếp huyện, xã sẽ do tỉnh quản lý.

Dự án Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng với 4 mặt tiền ở vị trí đắc địa của TP HCM nhưng rất nhiều năm qua vẫn chưa xong, gây lãng phí  Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dự án Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng với 4 mặt tiền ở vị trí đắc địa của TP HCM nhưng rất nhiều năm qua vẫn chưa xong, gây lãng phí Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10% với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.

Theo Bộ Tài chính, mặc dù pháp luật chuyên ngành có quy định về nguyên tắc quản lý chung cho tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng chưa có quy định riêng đối với việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng, nên thực tế các địa phương còn lúng túng trong công tác quản lý, vận hành, khai thác và xử lý đối với quỹ nhà, đất này.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở nhà, đất sau khi thu hồi hoặc chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý nhưng chưa thể xử lý được ngay do phải điều chỉnh quy hoạch, nếu không đưa vào khai thác sẽ bị bỏ trống, lãng phí, trong khi nhu cầu thuê rất lớn. Do đó, việc xây dựng cơ chế để điều chỉnh đối với các loại nhà, đất này là rất cần thiết.

Quyết tâm đấu giá cho thuê

Những năm qua, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức giám sát chuyên đề và chất vấn việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố.

Qua giám sát và chất vấn, nhiều bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công của thành phố thời gian qua đã được chỉ ra, khiến tài sản công chưa phát huy được hiệu quả là nguồn lực cho sự phát triển.

Cụ thể, những số liệu được đưa ra trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP khóa XVI (tháng 7-2022) cho thấy trong tổng số 803 nhà chuyên dùng có 357 địa điểm vi phạm, như cho thuê lại, liên doanh, liên kết, cải tạo lại, cơi nới, xây dựng thêm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Tại 199 tòa nhà chung cư tái định cư, với tổng diện tích quỹ nhà kinh doanh dịch vụ tầng một thành phố đang quản lý là hơn 85.000 m2, thì có hơn 35.000 m2 còn trống chưa bố trí thuê sử dụng, hoặc sử dụng trái phép, sai mục đích, chiếm tỉ lệ 41%...

Về đất đai, trên địa bàn Hà Nội có 9 dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất đã có quyết định thu hồi đất hoặc bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất do vi phạm pháp luật về đất đai với tổng diện tích khoảng 337 ha. Năm 2023, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề án "Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030".

Ông Nguyễn Xuân Lưu, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, đánh giá đây là đề án khung quan trọng, có tính định hướng, phạm vi bao quát rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trên địa bàn.

"UBND TP Hà Nội quyết tâm chấm dứt tình trạng sử dụng tài sản công để cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định. 100% tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án. Thành phố cũng xử lý, khắc phục dứt điểm các vi phạm, tồn tại trong quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố giao cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quản lý, khai thác" - đại diện UBND TP Hà Nội khẳng định.

Đấu giá để cho thuê

Lãnh đạo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết đang phối hợp các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ hoàn thiện, trình Chính phủ ký ban hành các nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công. Trong đó, có dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất 3 hình thức quản lý, khai thác nhà đất, gồm: cho thuê nhà; bố trí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tạm thời; quản lý theo nguyên trạng trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật. Tùy thuộc vào loại nhà, đất và yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn, địa phương sẽ quyết định hình thức cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả nhất.

Cũng theo Bộ Tài chính, hằng năm, tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà phải lập kế hoạch quản lý, khai thác nhà đất để trình UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt. Việc cho thuê nhà (gắn liền với quyền sử dụng đất) phải theo phương thức đấu giá, trừ trường hợp được áp dụng niêm yết giá. Thời hạn cho thuê tối đa là 5 năm. Trường hợp Nhà nước có nhu cầu sử dụng nhà, đất cho thuê vào mục đích khác hoặc bố trí cho cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc xử lý theo quy định của pháp luật thì không gia hạn thời hạn cho thuê.

Mạnh tay với dự án chây ì

Tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình có hàng loạt dự án lấy đất "vàng" mà vẫn trong tình trạng bỏ hoang gây lãng phí, còn một số dự án xây dựng dang dở rồi "án binh bất động" nhiều năm qua khiến người dân bức xúc vì mất mỹ quan đô thị.

Theo ông Nguyễn Huệ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, với những dự án chậm tiến độ, giãn tiến độ mà có lý do bất khả kháng thì phải đẩy nhanh tiến độ, sớm xây dựng để đi vào hoạt động và buộc cam kết hoàn thành tiến độ nếu được gia hạn. Với số dự án "treo", chây ì, không triển khai thì sẽ có những biện pháp mạnh tay, lập hồ sơ báo cáo UBND tỉnh kiên quyết thu hồi giấy phép đầu tư và thu hồi đất.

H.Phúc

Cần bổ sung quy định

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết hiện nay Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng TP HCM) đang quản lý 44 địa chỉ nhà, đất công theo Nghị định 167 của Chính phủ.

Thực tế trên địa bàn có hơn 1.800 địa chỉ thuộc diện này. Sở Xây dựng sẽ tiếp nhận quỹ nhà khổng lồ này nhưng vấn đề quản lý tiếp theo thì cần bổ sung quy định để thuận lợi cho việc quản lý, khai thác. Theo đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP có ý kiến với Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó bổ sung quy định đấu giá cho thuê tài sản.

Ngoài ra, hiện nay quỹ nhà sở hữu nhà nước cho thuê thì không quy định cơ sở pháp lý nào, quy trình nào để thẩm định giá, xác định giá cho thuê. Do đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP có ý kiến với Chính phủ về sửa đổi, bổ sung, ban hành nghị định mới về quản lý nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở để giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà ở địa phương quản lý, khai thác.

Q.Anh