Ngày 10-9, UBND tỉnh Gia Lai cho biết đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan chấm dứt hoạt động đối với dự án trồng cây cao su trên đất rừng nghèo kiệt do Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Tập đoàn ĐLGL) làm chủ đầu tư. Nguyên nhân là do doanh nghiệp (DN) này không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không thực hiện dự án.
Nhận đất rồi để không
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc cho phép tỉnh Gia Lai chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cây cao su. Giai đoạn 2008-2012, tỉnh đã tiến hành 2 đợt, giao trên 35.000 ha rừng cho 16 DN thuê đất để trồng cây cao su. Trong đó, Tập đoàn ĐLGL được giao trên 895 ha rừng nhưng sau đó bị phát hiện có nhiều sai phạm.
Dự án này được phê duyệt chủ trương từ năm 2011, sau 3 năm, Tập đoàn ĐLGL đã được UBND tỉnh Gia Lai có quyết định cho thuê hơn 895 ha rừng để chuyển đổi trồng cây cao su.
Theo Thanh tra Chính phủ, hơn 11 năm sau khi được thuê đất, Tập đoàn ĐLGL mới thực hiện được một số công đoạn cho chuẩn bị đầu tư như: đào hào chống xâm lấn, bảo vệ rừng, làm nhà tạm để sinh hoạt bảo vệ rừng, xây dựng vườn ươm cây giống, tổ chức kiểm đếm và lập hồ sơ thiết kế khai thác tận thu gỗ.
DN này cũng chưa thực hiện trồng cây cao su; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước với số tiền đến thời điểm thanh tra là 13,7 tỉ đồng, bao gồm tiền thuê đất và tiền phạt chậm nộp.
Đáng chú ý, từ năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện dự án này thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền ký quỹ phục hồi môi trường, thuế tài nguyên chưa được chính quyền địa phương quan tâm, xử lý kịp thời theo các quy định của nhà nước dẫn đến Tập đoàn ĐLGL nợ gần 900 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến năm 2017, ông Ngô Ngọc Sinh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, ký thông báo về ý kiến chỉ đạo của ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, với nội dung "tiếp tục cho Công ty CP Tập đoàn ĐLGL triển khai dự án trồng cây cao su trên diện tích 209,5 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng, đối với diện tích 554,4 ha đất có rừng tự nhiên nghèo kiệt, UBND tỉnh tiếp tục cho công ty thuê để thực hiện việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có".
Việc làm này được xác định là không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22-7-2016 về giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020.
Từ trồng cây cao su xin làm… điện mặt trời
Theo ông Nguyễn Tường Cọt, Tổng Giám đốc Tập đoàn ĐLGL, tại dự án trên, sau khi nhận bàn giao hiện trường, tập đoàn đã triển khai các bước xây dựng, trình phê duyệt thiết kế khai thác tận dụng lâm sản theo quy định thì gặp vướng mắc do số lượng gỗ, củi theo hồ sơ đã thiết kế không còn như hiện trạng lúc bàn giao.
Do đó, Tập đoàn ĐLGL đã báo cáo và UBND tỉnh Gia Lai có văn bản chỉ đạo giao các ngành tổ chức kiểm tra, xác định và tính toán lại sản lượng, khối lượng, giá trị gỗ, củi thực tế còn lại trên đất để UBND tỉnh xem xét, xử lý trước khi phê duyệt thiết kế khai thác và thực hiện các bước tiếp theo nhằm giao đất sạch cho công ty triển khai dự án.
Đến tháng 7-2016, thực hiện Thông báo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành văn bản chỉ đạo: "Không đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích rừng tự nhiên hiện có trên địa bàn tỉnh, thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên (kể cả khai thác tận thu, tận dụng). Do đó, DN buộc phải dừng lại, không triển khai được các bước thủ tục theo quy định để triển khai dự án.
Theo ông Nguyễn Tường Cọt, đến nay DN đã đầu tư chi phí rất lớn nhưng chưa có được bất cứ doanh thu, lợi nhuận nào phát sinh từ dự án này.
Sau khi dự án bị dừng lại, cùng với việc tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích đất và rừng, DN đã có nhiều văn bản đề xuất xin chuyển đổi thành dự án kết hợp trồng rừng, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và điện năng lượng mặt trời, điện gió trên diện tích 764,1 ha nhưng chưa được UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận.
Cũng theo ông Nguyễn Tường Cọt, Tập đoàn ĐLGL cũng có nhiều văn bản đề nghị miễn giảm hoặc không tính tiền thuê đất, tiền chậm nộp của dự án vì nguyên nhân khách quan. Từ năm 2019 - 2024, các cơ quan, ban ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết kiến nghị của DN nhưng đến nay chưa có kết quả.
Đề nghị miễn giảm thuế (?!)
Trên cơ sở thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các sở, ban ngành và những DN liên quan để nghe báo cáo thực trạng, đề xuất vướng mắc liên quan việc thực hiện dự án và tiền thuê đất trong thời gian qua. Tại cuộc họp trên, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ĐLGL, khẳng định: "Dự án trồng cây cao su không thể triển khai đầu tư được là do nguyên nhân khách quan từ chủ trương, chính sách". Ông đề nghị xem xét hủy bỏ, tính lại các loại thuế đối với dự án.