Khi bất động sản “nhóm lửa” trở lại, phân khúc nào sẽ “bật dậy” nhanh nhất?

Đầu quý 3/2023, thị trường bất động sản đã xuất hiện những dấu hiệu phục hồi. Đưa ra nhận định về từng phân khúc, các chuyên gia đều đồng tình, bất động sản ở thực sẽ có đà phục hồi sớm nhất.

Lực cầu bất động sản đã tăng trở lại

Dữ liệu về thị trường bất động sản tháng 7/2023 của Batdongsan.com.vn vừa công bố cho thấy, bắt đầu xuất hiện tín hiệu tăng trưởng trở lại. Trong tháng 7, nhu cầu tìm mua bất động sản trên cả nước tăng 6%, lượng tin rao bán nhà đất cũng tăng 4% so với tháng liền trước.

Xu hướng tăng này diễn ra với tất cả các loại hình bất động sản bán. Trong đó, chung cư và biệt thự chứng kiến lượng quan tâm phục hồi mạnh nhất, tăng 7% so với tháng 6/2023; đất nền tăng 6%; nhà riêng và đất dự án tăng 3%. Lượng tin đăng bán tất cả các loại hình bất động sản cũng tăng từ 2% đến 9%.

Thị trường bất động sản ở hầu hết các tỉnh, thành phố vừa trải qua một tháng 7 “ấm” hơn với lượt quan tâm tăng nhẹ. Nổi bật trong đó là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với mức tăng lần lượt là 9% và 8% so với tháng liền trước. Danh sách các địa phương có mức độ quan tâm nhà đất tăng đáng kể trong tháng 7 còn “gọi tên” Quảng Ninh (tăng 18%), Hải Phòng (tăng 9%) và Đà Nẵng (tăng 8%).

Bất động sản ở thực sẽ hồi phục nhanh nhất

Đưa ra nhận định về thị trường bất động sản thời gian tới, các chuyên gia đều đồng tình phân khúc nhà ở thực sẽ sớm "bật dậy".

Ông Lê Bảo Long, Giám đốc Chiến lược của Batdongsan.com.vn nhận định bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực vừa túi tiền và/hoặc có tiến độ thanh toán linh hoạt sẽ là một trong những phân khúc phục hồi sớm nhất trên thị trường bởi vì sở hữu nhà để ở vẫn là nhu cầu thiết yếu trong 1 đất nước có dân số liên tục tăng.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng, phân khúc chung cư, nhà ở thực có sức hấp dẫn lớn, đặc biệt tại các khu vực như Hà Nội và TP. HCM nhu cầu vẫn liên tục gia tăng. Vấn đề hiện nay là giá bán về mức hợp lý khoảng 30 - 35 triệu đồng/m2, dòng tiền thực chắc chắn sẽ ồ ạt vào mua.

“Khoảng cuối năm nay, phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu thực sẽ có sự sôi động hơn so với đầu năm. Còn về phân khúc đất nền, được đánh giá mang nặng tính đầu cơ nên sẽ có sự phục hồi chậm hơn.

Về phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phụ thuộc vào tiến trình tháo gỡ pháp lý, cấp sổ đỏ của các địa phương. Bây giờ chỉ cần một loạt các sản phẩm bất động sản trước đó đã được bàn giao cấp sổ đỏ, chắc chắn niềm tin của nhà đầu tư sẽ dần hồi phục. Các sản phẩm nhu cầu thực sẽ phục hồi đầu tiên, sau đó dần dần mới tới các phân khúc đầu tư”, ông Đính nói.

Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc nhận định, thị trường Hà Nội và TP. HCM vẫn là hai thị trường sẽ nhanh phục hồi nhất vì quy mô dân số lớn, nhu cầu cao. Còn các nơi khác sẽ phục hồi theo sau hai thành phố này.

“Phân khúc nhà ở phục vụ nhu cầu thực như nhà ở xã hội, căn hộ chung cư giá trung bình khá, mức giá 30-40 triệu đồng/m2 sẽ phục hồi đầu tiên”, ông Quyết đánh giá.

Cũng theo ông Quyết, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là phân khúc phục hồi chậm hơn bởi việc du lịch chưa có đột phá.

Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (DXS – PERI) đã tiến hành khảo sát về loại hình bất động sản nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng trong nửa cuối năm 2023, kết quả khảo sát cho thấy chung cư nhận được lựa chọn áp đảo với 73%, 15% lựa chọn nhà thấp tầng, đất nền 10% và bất động sản nghỉ dưỡng chỉ chiếm 2% câu trả lời.

Đối với khung giá căn hộ khách hàng quan tâm, DXS - FERI khảo sát được, 82% câu trả lời từ khách hàng lựa chọn căn hộ có giá dưới 2,5 tỷ, 13% lựa chọn căn hộ từ 2,5 – 3,5 tỷ, chỉ có 5% lựa chọn khung giá trên 3,5 tỷ. Kết quả khảo sát này cho thấy sự lựa chọn của khách hàng đang chuyển dịch mạnh mẽ về khung giá sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu ở thực, giá vừa tầm.

Như vậy, có thể thấy trong bối cảnh sức cầu thực vẫn rất lớn, phân khúc căn hộ chung cư được đánh giá là điểm sáng trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, hiện nay nhiều dự án vẫn còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến pháp lý, do vậy nguồn cung chưa thể cải thiện ngay mà cần có thời gian.