Khách thuê văn phòng gặp khó khi chủ nhà im ắng chuyện giảm giá

Trái ngược với chính sách giảm tiền nước, điện, viễn thông của Chính phủ hay xu hướng miễn giảm tiền thuê nhà trọ, các đơn vị kinh doanh văn phòng không mặn mà với việc điều chỉnh giá thuê cho khách, bất chấp thời gian giãn cách kéo dài.

Thuê văn phòng tại một toà chung cư hỗn hợp tại phố Tố Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội, anh Nguyễn Gia Hưng, chủ một văn phòng công chứng thảo luận với chủ cho thuê để điều chỉnh mức giá cho hợp đồng 6 tháng tới. Theo thoả thuận trước đó, mỗi tháng, anh phải trả chi phí thuê hơn 100m2 khoảng 24 triệu đồng/tháng, thanh toán 6 tháng một lần. Hợp đồng dự kiến gia hạn vào ngày 15/8 tới đây.

Tiền thuê văn phòng trước đây với công ty anh không phải là gánh nặng, nhưng bây giờ đã rất khác. Suốt từ tháng 5, khi dịch bệnh bùng phát nhiều nơi, nhân viên của anh buộc phải ở lại địa phương do lệnh giãn cách xã hội tại các vùng bùng phát dịch sớm. Khi các khu vực lân cận đã dần ổn định, đến lượt Hà Nội áp dụng chỉ thị 16.

“Văn phòng chỉ duy trì 2-3 người làm việc, còn lại đều ở nhà làm online. Chi phí thuê mặt bằng lúc này tính trên mỗi nhân viên là rất cao, trong khi doanh thu suy giảm rõ rệt”, anh Hưng cho hay.

Khách thuê văn phòng gặp khó khi chủ nhà im ắng chuyện giảm giá - Ảnh 1.

Giá thuê văn phòng tại Hà Nội vẫn tăng 6%/năm bất chấp ảnh hưởng do dịch bệnh. Ảnh: B.L


Khi đề nghị giảm giá thuê với chủ nhà, anh nhận được lời từ chối. Theo chủ nhà, mức giá hiện tại được cho là thấp so với mặt bằng chung của khu vực Thanh Xuân. Do đó, thay vì giảm giá, chủ nhà chỉ đồng ý gia hạn thời gian nộp tiền đến cuối tháng 8, với yêu cầu phải thanh toán đủ 6 tháng đúng như thoả thuận ban đầu. Nếu không đồng ý, chủ thuê cho hay anh có thể dọn đi bất cứ lúc nào.

“Như thế là làm khó cho tôi, vì bây giờ tìm nơi thuê mới không dễ, việc chuyển văn phòng cũng không thực hiện được giữa lệnh giãn cách”.

Tương tự tình cảnh của anh Hưng, nữ giám đốc một công ty truyền thông tại phố Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội cũng đối mặt với thế khó khi chi phí mặt bằng không được điều chỉnh giảm bất chấp thời gian giãn cách kéo dài. Công ty chị này mới bắt đầu hoạt động từ tháng 4, đã nộp tiền thuê mặt bằng 6 tháng, nhưng công suất sử dụng văn phòng chỉ đạt 20-30%.

“Các chi phí điện, nước đã được giảm, nhưng gánh nặng lớn nhất là chi phí mặt bằng thì hoàn toàn im ắng. Chủ nhà không hề có động thái hỗ trợ nào. Ngay cả khi chúng tôi ngỏ lời, họ cũng chỉ hứa hẹn sẽ xem xét trong kỳ thanh toán tới, thay vì hỗ trợ ngay thời điểm khó khăn trước mắt”, nữ giám đốc này cho hay.

Nêu ý kiến về thị trường văn phòng cho thuê Hà Nội, các chuyên gia của Savills trong báo cáo mới đây cho rằng giá thuê sẽ không giảm trong làn sóng Covid-19 thứ 4 dù đối mặt với những thách thức lớn. Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cho thuê thương mại của Savills Hà Nội, cho hay doanh nghiệp sẽ lựa chọn tiếp tục gia hạn hợp đồng thuê hoặc tạm hoãn kế hoạch chuyển văn phòng cho đến năm sau, thay vì đổ dồn yêu cầu giảm giá thuê do nằm trong khu vực hạn chế di chuyển, không thể đến văn phòng làm việc.

“Xét về dài hạn, giá thuê hiện tại ở Hà Nội đang phản ánh đúng giá trị của thị trường và khả năng chi trả của khách thuê văn phòng. Do vậy, sẽ không có xu hướng giảm giá thuê đồng bộ trên thị trường để giữ chân khách hàng”, bà Minh đánh giá.

Theo thống kê, tốc độ tăng giá thuê văn phòng ở Hà Nội là 6% mỗi năm, đạt mức 21 USD/m2/tháng, trong đó, văn phòng hạng A tại khu vực Hoàn Kiếm có giá thuê cao gấp đôi so với mặt bằng ở phía Tây. Giá thuê cao do không còn nhiều nguồn cung tại các khu vực nội thành, cũng như hạn chế của hoạt động khảo sát mặt bằng và thi công trong làn sóng dịch. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở Hà Nội có xu hướng thuê mặt bằng diện tích lớn và chất lượng cao. Các dự án mới đều có chất lượng tốt nhưng nguồn cung lại thấp, đẩy mức giá bình quân lên cao và khó có khả năng giảm trong thời gian tới.