HoREA: Giá bán nhà ở xã hội có thể lên tới 40 triệu đồng/m2

Theo Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), với việc chi phí đầu vào cao sẽ dẫn đến giá thành, giá bán nhà ở xã hội sẽ rất cao, theo tính toán có thể lên đến trên dưới 40 triệu đồng/m2.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, bối cảnh thực tiễn và các quy định hiện hành đang đặt ra vấn đề nếu xây dựng nhà ở xã hội với việc chi phí tạo lập quỹ đất (dù được miễn tiền sử dụng đất) và chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án phân bổ cho diện tích đất nhà ở xã hội (đối với dự án nhà ở xã hội hình thành trên quỹ đất 20% diện tích dự án nhà ở thương mại) là rất cao.

Theo đó, ông Châu cho rằng, với việc chi phí đầu vào cao sẽ dẫn đến giá thành, giá bán nhà ở xã hội sẽ rất cao, theo tính toán có thể lên đến trên dưới 40 triệu đồng/m2.

“Mức giá 40 triệu đồng/m2 nhà ở xã hội sẽ vượt quá khả năng tài chính của đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, nếu nhà ở xã hội ở ngay cạnh nhà ở thương mại thì người mua nhà ở xã hội ở các dự án còn phải chịu chi phí quản lý, dịch vụ hàng tháng cao do cùng sinh sống trong khu vực nhà ở cao cấp, trung cấp”, ông Châu nói.

Tại văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số quy định của Dự thảo Luật Nhà ở để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.

Ông Châu cho rằng, để thực hiện thành công chính sách nhà ở xã hội thì phải có 02 chính sách quan trọng nhất. Trước hết là chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi dài hạn cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và phải có quỹ đất theo quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội.

Song, muốn tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội thì phải có sự hợp lực của Nhà nước và các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thông qua 02 kênh, cụ thể: Thứ nhất, Nhà nước thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách trích 10% số thu tiền sử dụng đất và nguồn tài chính của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước để phát triển nhà ở xã hội

Thứ hai là doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các khu vực quy hoạch phát triển nhà ở xã hội để có quỹ đất thực hiện dự án nhà ở xã hội, hoặc doanh nghiệp sử dụng quỹ đất sẵn có để thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, về nguồn vốn thực hiện, HoREA cho rằng, nếu chỉ trích 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn thì số tiền này không lớn, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa

“Ngay cả thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 cũng chỉ thu tiền sử dụng đất được 7.560 tỷ đồng nên trích 10% thì cũng chỉ được 756 tỷ đồng mà thôi. Với số tiền ít ỏi này thì khó thể dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của các dự án; đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê”, nhất là Nhà nước không có đủ ngân sách để thực hiện đền bù, tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội”, Chủ tịch Lê Hoàng Châu cho biết.

Do vậy, Hiệp hội đề xuất nên bổ sung thêm quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để phát triển nhà ở xã hội.