Mới đây, HoREA có đề xuất Chính phủ xem xét bãi bỏ phương thức thu tiền sử dụng đất kiểu tận thu, thu trước một lần. Thay vào đó, chuyển thành sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở.
Theo đề xuất của Hiệp hội, thuế suất này có thể áp bằng khoảng 15-20% bảng giá đất nhằm giảm nhẹ gánh nặng và gỡ vướng ở khâu tính tiền sử dụng đất như hiện nay. Đồng thời, bổ sung thuế BĐS theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, để tạo nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách nhà nước.
Hiệp hội nhận định, nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai rất lớn, đặc biệt là các nguồn thu sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất đô thị, đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, là nguồn thu thứ cấp, phái sinh từ đất đai.
Chủ tịch HoREA lấy ví dụ, tại Tp.HCM đất nông nghiệp tạo giá trị khoảng 500 triệu đồng một ha mỗi năm nhưng khi chuyển thành đất đô thị, đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ tạo ra giá trị lên đến 59 tỷ đồng một ha mỗi năm.
Quận 7 khi thành lập năm 1997, thì thu ngân sách nhà nước chỉ có 55 tỷ đồng, nhưng đến năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước lên đến khoảng 6.000 tỷ đồng (gấp 109 lần), trong đó, có vai trò của các khu đô thị mới đóng góp không nhỏ.
Nếu giảm trực thu, tận thu từ đất đai, thì ban đầu, nguồn thu ngân sách nhà nước có ít hơn một chút, nhưng người dân và doanh nghiệp được lợi. Đại diện HoREA cho rằng, sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước mà vẫn còn thừa tiền, người dân sẽ tăng chi tiêu cho tiêu dùng hoặc kinh doanh, còn doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn để mở rộng đầu tư kinh doanh. Cuối cùng, Nhà nước được lợi vì quy mô nền kinh tế sẽ tăng trưởng lớn hơn và mở rộng được diện thu, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.