HoREA: Chưa nên cho người nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng

Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) đã nhận định rằng, không có một "làn sóng" người nước ngoài ồ ạt mua nhà tại nước ta và thực tế tình hình người nước ngoài mua nhà tại nước ta trong 5 năm qua đã chứng minh cho nhận định này.

Nêu quan điểm về đề xuất cho người nước ngoài mua căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch đại diện HoREA cho biết, trên cơ sở nghiên cứu ý kiến cảnh báo của Bộ Quốc phòng và kiến nghị của Bộ Công an, HoREA có chung quan điểm chưa nên cho phép người nước ngoài mua và sở hữu căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch - condotel. 

"Người nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ condotel, thực hiện theo phương thức đầu tư tài chính theo quy định của Luật Đầu tư" ông Châu khẳng định.

Cũng theo, HoREA không có một "làn sóng" người nước ngoài ồ ạt mua nhà tại nước ta và thực tế tình hình người nước ngoài mua nhà tại nước ta trong 5 năm qua đã chứng minh cho nhận định này. 

Cụ thể, đối chiếu với số liệu báo cáo thị trường bất động sản cả nước trong 10 năm (2009 - 2019) của Bộ Xây dựng, đã có 5 nghìn dự án nhà ở với 3.774 nghìn căn nhà, bình quân mỗi 5 năm phát triển được khoảng 787 nghìn căn nhà. Nếu so sánh với số lượng 16 nghìn căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua, thì chỉ chiếm tỷ lệ 2% tổng số nhà ở.

Được biết, trước đó Bộ Xây dựng đã đề xuất việc sửa đổi, bổ sung luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.

Lý do Bộ Xây dựng đưa ra kiến nghị trên bởi thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay đang gặp khó khăn, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm đạt thấp, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực sụt giảm...

Trong thời gian qua, có nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng, dự án đa năng kết hợp lưu trú và nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình BĐS này tương đối lớn và đa dạng.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đến các loại hình BĐS du lịch chưa đầy đủ, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư lẫn người mua.

Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn cho phân khúc này, cần sửa đổi, bổ sung luật Nhà ở, luật Kinh doanh BĐS năm 2014 theo hướng tăng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu trong mỗi tòa nhà chung cư; cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các BĐS du lịch tại Việt Nam.