Sau khi nghe tư vấn báo cáo phương án xây cầu Cát Lái, Sở GTVT TP.HCM đề nghị UBND TP. Thủ Đức cung cấp tình hình thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng, hiện trạng pháp lý liên quan đến hướng tuyến; làm cơ sở cho đơn vị tư vấn đánh giá mức độ ảnh hưởng, tính khả thi của các phương án thiết kế cầu.
Cầu Cát Lái sẽ thay thế phà Cát Lái hiện hữu
Cũng theo đề nghị của Sở GTVT TP.HCM, tỉnh Đồng Nai cần nghiên cứu thêm phương án hướng tuyến đi theo đường có lộ giới 40m trong cụm công nghiệp và vào đường Trương Văn Bang; nghiên cứu một số dạng nút giao với đường Vành đai 2, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các đồ án quy hoạch trong khu vực, đặc biệt là khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B (TP. Thủ Đức); tổ chức hầm chui cho xe máy và xe thô sơ trên đường Vành đai 2.
Sở GTVT Đồng Nai phân tích ưu nhược điểm đối với từng phương án để làm cơ sở chọn ra phương án tối ưu. Sau khi tổ chức hoàn thiện báo cáo phương án đầu tư xây cầu, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai sẽ gửi về Sở GTVT TP.HCM. Sở GTVT TP.HCM chủ trì, lấy ý kiến các sở, ngành liên quan để thống nhất nội dung cuộc họp tiếp theo giữa 2 địa phương.
Trước đó, vào tháng 8/2019, trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh này là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái. Dù thời gian khởi công dự kiến là năm 2020 nhưng do vướng mắc về nguồn vốn và chính sách nên đến nay dự án chưa được triển khai.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, cầu Cát Lái có chiều dài 3.782m, phần cầu chính dài 650m, tổng mức đầu tư gần 7.200 tỷ đồng. Do việc triển khai theo hình thức BOT cho toàn dự án không khả thi nên tỉnh Đồng Nai kiến nghị tách thành 3 dự án thành phần.
Khánh Trang