Theo đó, ý kiến của lãnh đạo Đồng Nai đều cho rằng, việc xây dựng cầu Cát Lái hết sức cấp bách, sẽ kết nối các dự án giao thông trọng điểm, mở ra liên kết vùng rộng lớn. Đặc biệt, hiện cây cầu này đang quá tải về lượng phương tiện giao thông lưu thông, liên tục trong tình trạng kẹt xe kéo dài.
Đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án tuyến đầu tư xây dựng cây cầu này.
Phương án tuyến 1 dài 11,7km, với khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 37,37ha. Điểm đầu nối với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, cách cầu Phước Khánh khoảng 2,5km. Tuyến bám theo đường quy hoạch lên phía Bắc tới bến phà Cát Lái hiện tại, vượt sông Đồng Nai tại phà Cát Lái đi vào đường Nguyễn Thị Định (quận 2, Tp.HCM) và kết nối với đường Vành đai 2 tại nút giao Mỹ Thủy.
Phương án tuyến 2 dài 10,5km, với khối lượng GPMB 14,36ha. Điểm đầu tuyến trùng với điểm đầu tuyến của phương án 1, sau đó đi lên phía xã Phú Hữu, vượt sông Đồng Nai và kết nối với đường Vành đai 2 tại vị trí giữa điểm đầu cầu Phú Mỹ và trạm thu phí cầu Phú Mỹ.
Cầu Cát Lái luôn trong tình trạng kẹt xe, nhất là thời điểm từ 16h đến 21h hàng ngày. Ảnh: Hạ Vy
Phương án tuyến 3 dài 12,4km, khối lượng GPMB 20,45ha. Điểm đầu nối với tuyến Bến Lức - Long Thành tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, cách cầu Phước Khánh khoảng 2,5km. Tuyến đi bám theo đường quy hoạch lên phía Bắc tới xã Đại Phước gần khu vực ngã 3 sông Đồng Nai và sông Cái. Tuyến vượt sông và kết nối với đường số 58 (cạnh cổng C cảng Cát Lái), nối vào đường Vành đai 2 tại vị trí cách cầu Ba Cua khoảng 300m về phía cầu Phú Mỹ.
Theo đơn vị tư vấn, mỗi phương án đều có những ưu điểm, hạn chế. Cụ thể, phương án 1 tổ chức kết nối giao thông thuận lợi, tuyến kết nối trực tiếp vào đường Nguyễn Thị Định và nút giao thông Mỹ Thủy, sau đó nối vào Vành đai 2 và đường Đồng Văn Cống để đi vào các trục chính khác như Đại lộ Đông Tây, cao tốc TPHCM - Dầu Giây - Long Thành… Tuy nhiên việc đưa giao thông kết nối vùng kết hợp giao thông nội bộ cảng Cát Lái (chủ yếu trọng tải nặng) làm tăng đột biến lưu lượng trên đường Nguyễn Thị Định, gây ùn tắc và mất an toàn.
Với phương án 2, tuyến đi vào khu vực đầu cầu Phú Mỹ hiện có lưu lượng giao thông rất lớn, kết nối vào Vành đai 2 sau đó nối vào trục ven sông Sài Gòn để đi vào các trục chính của TPHCM như Đại lộ Đông Tây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây… Theo phân tích của đơn vị tư vấn, phương án 2 ít ảnh hưởng đến Tân Cảng Cát Lái nhất, không tạo thêm kết nối. Dự kiến thời điểm kết thúc thu phí của trạm Phú Mỹ vào năm 2023, do vậy việc xây dựng cầu Cát Lái không ảnh hưởng đến việc thu phí của trạm Phú Mỹ. Sau khi phân tích nhiều góc độ, đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án số 2.
Về phía Đồng Nai các phương án tuyến phần lớn không gặp trở ngại, vì phần dự án đi qua ít ảnh hưởng đến công tác GPMB. Về phía TPHCM, góp ý cho các phương án tuyến, đại diện quận 2 cho biết phương án tuyến số 2 đi ra hướng bờ sông Sài Gòn, qua dự án xử lý nước thải, dự án nhà ở xã hội của CTCP Thủ Thiêm, khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi.
Nếu chọn phương án này sẽ phải điều chỉnh quy hoạch hay ranh các dự án. Do đó đại diện quận 2 đề xuất chọn phương án 1 vì đường Nguyễn Thị Định đang mở rộng 60m. Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn lại đề xuất không chọn phương án 3, vì có thể dự án sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cảng, nhất là với cổng C - nơi mỗi năm đóng góp ngân sách 93.000 tỷ đồng.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm đề nghị đơn vị tư vấn làm rõ thêm những thông tin góp ý từ các đơn vị dự họp, đặc biệt thông tin từ quận 2, để từ đó có thông tin chính xác, đầy đủ, trình lãnh đạo 2 địa phương xem xét, quyết định phương án tuyến. Việc quy hoạch, kết nối dự án cầu Cát Lái có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ cho Tp.HCM, Đồng Nai còn cho cả khu vực Đông Nam bộ và một số tỉnh ĐBSCL. Do đó đơn vị tư vấn cần xem xét bao quát, đầy đủ, để khi triển khai và sau này đưa dự án vào sử dụng, sẽ phát huy hiệu quả cao nhất.