Hội KTS Việt Nam: Cầu Trần Hưng Đạo 8.900 tỷ là hình thức mô phỏng khiên cưỡng nệ cổ, pha trộn hỗn tạp

Theo Hội KTS Việt Nam, phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo không phải là phong cách kiến trúc Đông Dương mà là hình thức mô phỏng khiên cưỡng nệ cổ, pha trộn hỗn tạp kiến trúc châu Âu...

Trao đổi với PV Tiền Phong về phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách cổ điển "xứ Đông Dương" gây xôn xao dư luận thời gian qua, ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết:

"Trước mắt đưa ra phương án mà Hội đồng tuyển chọn thông qua. Tuy nhiên, sau đó Hội Kiến trúc sư Việt Nam có mong muốn đóng góp ý kiến, chúng tôi kiến nghị lãnh đạo Thành phố đồng ý với phương án này.

Sắp tới sẽ mở rộng, giao Công ty CP Him Lam tài trợ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông sẽ đứng ra làm đơn vị tổ chức mời thêm Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trên cơ sở làm đầu mối tập hợp các ý kiến của các kiến trúc sư trong ngành".

Tổng kết, 2 phương án được đưa ra: Một là, đóng góp thẳng vào phương án để làm tốt lên. Thứ hai, nếu có phương án nào khác hẳn, độc đáo theo đúng tiêu chí, điểm nhấn của Thành phố thì Hội đồng kiến trúc sẽ xem xét để chọn ra phương án tốt nhất, đẹp nhất, là biểu tượng của Thành phố. Sau đó, sẽ triển lãm, trưng cầu lấy ý kiến của người dân để có sự đồng thuận.

Hội KTS Việt Nam: Cầu Trần Hưng Đạo 8.900 tỷ là hình thức mô phỏng khiên cưỡng nệ cổ, pha trộn hỗn tạp - Ảnh 1.

Phương án thiết kế của cầu Trần Hưng Đạo theo kiến trúc xứ Đông Dương gây tranh cãi.

Mới đây, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam cũng vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội "góp ý về kiến trúc dự án cầu Trần Hưng Đạo".

Hội KTS Việt Nam cho rằng, không nên lặp lại phong cách kiến trúc 'Đông Dương' như thuyết minh của tác giả đồ án. Hơn nữa, phương án đưa ra từ đầu đến nay cũng không phải là phong cách kiến trúc Đông Dương mà là hình thức mô phỏng khiên cưỡng nệ cổ, pha trộn hỗn tạp với nhiều chi tiết kiến trúc châu Âu từ thời trung cổ.

Cầu được xây dựng sẽ góp phần vào phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới, đồng thời tạo cho diện mạo kiến trúc đô thị Hà Nội một điểm nhấn kiến trúc quan trọng.

Vì thế, việc lựa chọn hình thức kiến trúc cầu được cân nhắc xem xét, nghiên cứu cẩn trọng và cây cầu nên trở thành một biểu tượng về lịch sử, thẩm mỹ và văn hóa đương đại, Hội KTS Việt Nam nêu quan điểm.

Hội KTS Việt Nam cũng đề nghị TP Hà Nội thực hiện thi tuyển kiến trúc, theo quy định của Luật Kiến trúc. Ngoài ra, Hội KTS Việt Nam cho biết sẵn sàng cử các KTS giàu kinh nghiệm để cùng thành phố tiếp tục quá trình lựa chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo tốt nhất, đáp ứng được các yêu cầu của thành phố đặt ra thông qua thi tuyển phương án kiến trúc.

Theo thiết kế cơ sở, dự án cầu Trần Hưng Đạo có chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5 km; tổng vốn đầu tư dự án dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư BOT chiếm 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2025.