Thường vào đầu tháng 11, bến phà Ô Môi luôn nhộn nhịp người và xe để chuẩn bị hành trình vượt nhánh sông Hậu về tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch sinh thái miệt vườn ở xứ cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang). Thế nhưng, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách đến đây ngày càng thưa thớt.
Doanh thu gần như bằng 0
Một hộ dân tham gia làm du lịch homestay ở cù lao Ông Hổ cho biết trước khi dịch bệnh bùng phát, khách rất thích đến đây trải nghiệm cuộc sống của người dân Nam Bộ. "Chúng tôi đã cải tạo những mảnh vườn tạp kém hiệu quả để trồng các loại cây ăn trái cũng như chỉnh trang lại nhà cửa để làm mô hình du lịch homestay. Những năm đầu mới làm, du khách rất thích. Nhưng giờ mọi thứ không như ý muốn nữa..." - người này buồn bã nói.
Khu homestay Phong Levent vắng khách do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Cách Mỹ Hòa Hưng khoảng 25 km, các mô hình du lịch homestay ở xứ cù lao Giêng thuộc các xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân của huyện Chợ Mới cũng rơi vào tình cảnh đìu hiu.
Là chủ của khu homestay Phong Levent tại làng hoa Sa Đéc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), ông Trịnh Quốc Phong cho biết trước đây, khu du lịch của ông đón gần 300 lượt khách nước ngoài mỗi tháng. Giờ đây, lượng khách giảm 80% nên cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng.
Tương tự, khu homestay Ngôi Nhà Hoa, Ếch (phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) được đầu tư giữa năm 2016, với số vốn vài trăm triệu đồng. Do lượng khách giảm 80% so với cùng kỳ năm trước nên Trần Thanh Hùng, chủ khu homestay này, đành tu sửa các hạng mục trong khu du lịch để chờ hết dịch sẽ có thêm những điểm mới đón khách.
Út Trinh homestay (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã được cấp chứng nhận "Homestay đạt chuẩn ASEAN" năm 2017-2019. Homestay này chuyên phục vụ khách Pháp nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát thì rơi vào cảnh ế ẩm.
Chị Phạm Thị Ngọc Trinh, chủ cơ sở của Út Trinh homestay, thở dài: "Tôi có 3 homestay tại Vĩnh Long và 1 homestay ở Bến Tre, tổng cộng có 55 phòng. Giữa tháng 3, toàn bộ ngành du lịch đóng cửa do dịch bệnh. Đến ngày 30-4, chúng tôi mở cửa đón khách nội địa sau giai đoạn giãn cách xã hội. Nhưng rồi đến tháng 7, dịch đợt 2 bùng phát ở Đà Nẵng, chúng tôi chính thức bị "rút ống ôxy". Từ đó đến nay, doanh thu gần như bằng 0 trong khi phải trả nhiều chi phí".
Các homestay nhà xưa của Út Trinh theo mô hình nghỉ dưỡng và trải nghiệm chuyên phục vụ khách nước ngoài, nên kén khách trong nước. Trước tình hình này, chị Trinh phải lên Facebook kêu gọi mọi người đến homestay nghỉ dưỡng để vượt qua khó khăn hiện nay.
Xem xét hỗ trợ
Theo bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Chi nhánh Vietravel Cần Thơ và Tây Nam Bộ, công ty đang triển khai các sản phẩm du lịch nội địa, tập trung mạnh ở ĐBSCL nhằm kích cầu du lịch. Trong tháng 9 và tháng 10, khi đợt dịch thứ 2 được khống chế, nhu cầu của khách tăng cao, Vietravel đã phục vụ hơn 15.000 lượt khách nội địa.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, cho biết ngành cũng đã chủ động tham mưu UBND tỉnh An Giang trình HĐND tỉnh này trong kỳ họp cuối năm nay để thực hiện chính sách hỗ trợ cho các DN, đơn vị làm du lịch, trong đó có homestay. Hiện nay, An Giang tập trung cho các khu du lịch sinh thái miệt vườn gắn với mô hình homestay ở xã Mỹ Hòa Hưng và 3 xã cù lao Giêng như Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân và một số làng nghề khác phục vụ du lịch ở huyện này.
"Trước mắt, An Giang cố gắng hỗ trợ các DN du lịch về cơ chế chính sách. Riêng mặt tài chính thì sẽ được xem xét mức hỗ trợ cho các DN vào kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm nay. Không riêng gì homestay, An Giang sẽ hỗ trợ cho các DN đầu tư nhà hàng, khách sạn và các khu, điểm du lịch khác" - ông Hiệp nói.
TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng các homestay phục vụ khách Tây, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thích nghi và ứng biến với tình hình mới, nếu không sẽ không tồn tại. Thích nghi để chuyển đổi từ phục vụ khách nước ngoài sang khách nội địa cần có yêu cầu khác nhưng không hoàn toàn phá bỏ cái cũ, vẫn tận dụng cái mới.