Tại một trong những khu đất đấu giá tại Quốc Oai, Hà Nội, trong cuộc đấu giá gần đây nhất, mức đấu giá khởi điểm là gần 15 triệu đồng/m2 và có giá trúng gấp đôi là 30 triệu đồng/m2. Theo các đơn vị đấu giá, đây là mức giá sát với mức giá thị trường và không bị thổi lên cao so với nhiều cuộc đấu giá diễn ra năm ngoái.
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh - đại diện một công ty chuyên tổ chức đấu giá đất cho biết, thay vì lao như thiêu thân vào các cuộc đấu giá, nhiều nhà đầu tư đã bình tĩnh so sánh, xem xét giá cả đất của khu vực xung quanh để đưa ra mức giá phù hợp nhất.
Theo ghi nhận tại một số sàn giao dịch bất động sản, nhiều lô nền đất đấu giá tại ngoại thành Hà Nội, Bắc Giang… đã gặp khó khăn trong việc tìm khách mua bởi giá trúng đấu giá vào thời điểm cuối năm 2021 cao hơn so với mặt bằng giá thị trường chung.
Trước tình thế này, nhiều người đã chấp nhận bỏ cọc, chịu mất vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng đã nộp, không lựa chọn cách nộp nốt số tiền để sở hữu lô đất.
Đấu giá đất giảm nhiệt tại một số địa phương. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Vừa qua, Bộ Tư pháp đã có báo cáo gửi Thủ tướng về rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất sau vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm , TP Hồ Chí Minh.
Bộ đã chỉ ra nhiều quy định của pháp luật về đấu giá đất chưa thống nhất. Đặc biệt, hiện chưa có quy định cấm tham gia đấu giá đối với cá nhân, doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá. Bộ Tư pháp đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.
Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, việc siết chặt quy định pháp luật sẽ là giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng cá nhân, doanh nghiệp ồ ạt trả giá cao, nhưng bỏ cọc tại các cuộc đấu giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.